Rau Đà Lạt hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền. Trong thời gian gần đây, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt đã có nhiều cố gắng trong việc đẩy thương hiệu “rau độc quyền” Đà Lạt lên chiếm lĩnh một vị trí mới, một vị thế cao hơn trên thương trường quốc tế và trong nước.
Tuy nhiên, theo thông tin do Sở NNPTNT Lâm Đồng cung cấp mới đây: Qua phân tích 845 mẫu rau, củ, quả và trái cây gần đây nhất, cơ quan phát hiện có đến 43 mẫu không an toàn – chiếm 5,09% tổng số mẫu. Các mẫu được kiểm tra này được lấy ngẫu nhiên tại các chợ trong tỉnh (tập trung tại Đà Lạt). Còn đối với các loại rau được đưa ra ngoài tỉnh, và đặc biệt là đưa ra nước ngoài, thì hầu như không tìm thấy mẫu không an toàn.
Giải thích về tỷ lệ 5,09% mẫu rau không an toàn, lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng cho rằng: “Hiện tượng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng phân bón trong canh tác rau của một bộ phận nhà vườn Đà Lạt và vùng rau phụ cận vẫn còn xảy ra. 5,09% mẫu rau Đà Lạt không an toàn là hệ quả của quá trình lạm dụng này…”.
|
Dâu tây thứ cấp được bày bán tại bên ngoài chợ Đà Lạt. |
Có thể nói, một thói quen không tích cực trong canh tác rau của một bộ phận nhà vườn Đà Lạt là sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu một cách không khoa học đã dẫn đến sản phẩm hàng hóa khi mang ra thị trường kém chất lượng.
Về thực trạng sử dụng phân bón trong canh tác rau (nhất là hàm lượng đạm và lân), Chi cục BVTV Lâm Đồng đã kiểm tra và đưa ra số liệu: Theo tiêu chuẩn thì 1ha rau ăn lá chỉ cần 200 – 250kg N (đạm) nhưng qua kiểm tra, kết quả là có đến hơn 40% nông dân Đà Lạt và vùng phụ cận dùng cao hơn 250kg N/ha. Tương tự, với phân có lượng lân, theo khuyến cáo, 1ha chỉ cần từ 150 – 200kg nhưng có đến gần 40% nông dân trồng rau ở Đà Lạt và phụ cận sử dụng phân với liều lượng lớn hơn 200kg/ha.
Điều đáng nói: Hầu hết lượng rau “vượt ngưỡng” này đều không được đưa ra khỏi tỉnh! Vậy, nó được tiêu thụ ở đâu, nếu không là Đà Lạt?
Võ Khắc Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.