Đan Lê dùng "chiêu" này để ông xã hỗ trợ, chăm sóc con khi quá bận

Thứ năm, ngày 08/06/2017 08:00 AM (GMT+7)
Bà xã của đạo diễn Khải Anh thẳng thắn nhờ chồng để mắt tới con cái và đừng yêu cầu vợ việc gì trong thời gian cô bận.
Bình luận 0

img

Gia đình hạnh phúc của MC Đan Lê và đạo diễn Khải Anh.

- Chị phân chia thời gian ra sao để vừa chu toàn được công việc, gia đình và chăm sóc con cái?

- Một ngày của tôi thường bắt đầu lúc khoảng 8h30 sáng. Tôi tới spa làm việc, rồi đến đài truyền hình ghi hình theo lịch trình có sẵn trong tuần. Ngoài thời gian đó, tôi chăm sóc con cái và gia đình. Dù rất bận nhưng tôi là người yêu công việc nên không cảm thấy quá sức hay mệt mỏi.

Công việc của tôi thường kết thúc lúc 18h30-19h và có thể muộn hơn. Giờ đấy về nhà chuẩn bị cơm cũng đã là muộn rồi. Tôi có mẹ đẻ và người giúp việc hỗ trợ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Chỉ những ngày nào không phải làm việc muộn, tôi sẽ tự nấu. Bà ngoại sống cùng vợ chồng tôi nên buổi sáng, bà đưa các cháu đi học và chiều nếu bận sẽ nhờ giúp việc đón. Hai bé Khải Minh, 6 tuổi, và Khải Nguyên, 3 tuổi, học trong khu nhà nên việc đưa đón rất tiện.

img

Trong việc nuôi dạy con, Đan Lê quan niệm cần tôn trọng, giữ lời hứa và dành thời gian cho các bé.

- Chồng chị, đạo diễn Khải Anh, chia sẻ với chị ra sao trong việc chăm sóc và nuôi dạy hai con trai?

- Cách đây một tháng, tôi rất bận vì phải chuẩn bị hội thảo, mời chuyên gia nước ngoài tới spa đào tạo. Tôi có trao đổi với chồng về việc này, yêu cầu sự chia sẻ và hỏi anh có giúp được gì không. Anh Khải Anh cũng có công việc riêng, không trực tiếp tham gia nhưng đóng góp nhiều ý tưởng. Tôi nhờ chồng thời gian ấy hỗ trợ bằng cách để mắt tới con cái và đừng yêu cầu vợ việc gì.

Quan điểm của tôi là trao đổi để hiểu nhau và khi đã hiểu thì việc thỏa thuận có chấp nhận hay không là ở hai người. Mẹ có thể chăm con tốt hơn so với bố, nhưng nhà có hai con trai như gia đình tôi thì bố phải có trách nhiệm dạy dỗ, hướng dẫn để các cháu trưởng thành như một người đàn ông. Chồng tôi có thể bận hàng tháng trời nhưng khi có bất cứ thời gian rảnh nào, anh sẽ dành hoàn toàn cho việc chăm sóc con cái và gia đình.

Ở nhà, hai vợ chồng không phải nấu cơm và rửa bát. Thời gian rảnh rỗi duy nhất để mọi người bên nhau là buổi tối. Ăn cơm xong, chúng tôi ngồi chơi, nói chuyện; bày các trò hoặc đọc sách. Chúng tôi ít đánh con. Nếu trong tình trạng cấp cứu quá, ví dụ các bạn ấy chuẩn bị sờ tay vào ổ điện, tôi sẽ đánh một cái thật đau cho nhớ. Sau đó, tôi sẽ giải thích với con rằng hành động đánh sẽ không đau bằng việc bị điện giật và đánh là để cảnh báo chứ không phải bố mẹ ghét con.

- Với những gia đình có con sàn sàn tuổi nhau, bố mẹ thường phải làm trọng tài phân xử các vụ tranh giành đồ chơi. Gặp những lúc như vậy, chị thường xử lý ra sao?

- Hai bé nhà tôi cách nhau tròn 3 năm và rất yêu thương nhau. Tất nhiên sự tranh giành đôi lúc vẫn xảy ra nhưng cách giải quyết xung đột đó như thế nào để các con thấy mình không bị đặt vào thứ yếu lại do bố mẹ hoặc người lớn quyết định.

Tôi luôn giao hẹn trước khi sự tranh giành giữa hai con diễn ra và phải đoán được điều đó để ngăn chặn từ đầu. Tranh giành xảy ra tức là có xung đột. Lúc ấy, cảm xúc của các con không ở trạng thái cân bằng nữa, dù có nói gì thì lời nói của mẹ cũng giảm giá trị. Vì thế, mẹ phải giao hẹn khi các bạn ấy ở trạng thái tinh thần ổn định. Khi mua đồ chơi cho con, tôi giao hẹn: "Mẹ mua cho hai anh em chơi chung nhau. Nếu các con không tìm được cách chơi chung vui vẻ, mẹ sẽ không cho ai chơi nữa và cả hai sẽ không có gì để chơi. Bây giờ các con chọn có đồ chơi hay không?".

Dù đưa ra cho con sự lựa chọn, mẹ vẫn phải để các bé có quyền lợi trong đấy. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau và không ai có chung cách dạy dỗ nào cho từng bé. Tôi luôn cố gắng công bằng tuyệt đối và không yêu cầu anh phải là người hy sinh hay vì anh lớn nên phải nhường em. Anh không có nghĩa vụ phải thế. Tôi coi hai bạn là hai người như nhau.

img

Khải Minh, con trai lớn của vợ chồng Đan Lê, năm nay vào lớp một.

- Trước khi sinh con thứ hai, chị chuẩn bị tâm lý như thế nào cho bé đầu để con không quá bất ngờ và hụt hẫng?

- Trước khi em Khải Nguyên ra đời, tôi cũng chuẩn bị tâm lý cho cậu anh. Tất nhiên bạn ấy chưa thể chấp nhận ngay điều này, dù lúc mẹ mang thai, con cũng rất biết nói chuyện với em trong bụng, yêu em và ôm hôn em. Con sẽ có giai đoạn khủng hoảng và cảm thấy thiếu sự quan tâm hơn. Điều đó là hiển nhiên.

Mẹ nên giúp con hiểu bạn ấy đã có cả một quãng thời gian chiếm đươc sự quan tâm, chăm sóc của gia đình rồi và bây giờ đến lượt em. Đừng để bé có cảm giác người em cướp mất sự quan tâm đó của mình. Hãy để con hiểu, em đang phải chịu thiệt thòi hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên cho các bạn ấy thấy quyền lợi của việc có em là gì. Điều này rất quan trọng. Sự công bằng của bố mẹ sẽ quyết định việc hai con có thân thiết với nhau không. Khi các con thấy bố mẹ đang không công bằng trong cách đối xử, tự nhiên chúng sẽ có sự đố kỵ và hiềm khích trong lòng.

Khi tôi sinh bé thứ hai, nhà lúc đó rất neo người. Mẹ tôi đi nước ngoài, còn chồng đang vào dự án phim mới, rất bận và không có thời gian ở nhà. Tôi đẻ thường và phải nằm ba hôm ở viện. Hơn nữa, thời điểm ấy, bé Minh bị quai bị và phải cách ly. Tôi đã nhờ cô bạn hết giờ làm đến nhà ở cùng con trai. Cô giúp việc mới đến, chưa biết gì trong nhà nên tôi không thể giao con cho họ. Đùng một cái, bạn lớn phải ở nhà một mình mà không có bất cứ người thân nào bên cạnh. Bạn ấy rất chới với và hoang mang vì bẵng đi mấy ngày không thấy mẹ đâu. Mẹ ở viện đến hôm thứ ba, Khải Minh được vào thăm. Nhìn mẹ và em bé, con chưa phản ứng gì.

Hôm sau tôi về nhà, con thấy tất cả mọi người dồn sự quan tâm vào em bé, còn mình bị bỏ rơi. Con bắt đầu lao vào trong phòng, giằng lấy mẹ và bảo: "Đây là mẹ của con. Mang em bé đi đi". Mọi người sợ con làm đau em bé nên bế em ra ngoài và chẳng may đánh rơi chiếc tất xuống giường. Khải Minh vồ lấy rồi đuổi theo những người kia để trả nốt chiếc tất và bảo: "Rơi cái tất đây này, mang nốt đi đi". Bạn ấy không muốn dính líu bất cứ thứ gì tới em. Lúc đó, tôi phải giải thích những ngày vừa rồi như thế nào và làm công tác tư tưởng cho con. Tôi coi con như một người bạn và chia sẻ mọi thứ thì mới mong bạn ấy hiểu được.

- Sau đó chị đã phải làm gì để khơi gợi tình yêu thương, sự chia sẻ với em ở cậu con lớn?

- Cách bố mẹ ứng xử như thế nào với các con quyết định việc bé chấp nhận chia sẻ tình cảm hay không và sẽ yêu thương người em của mình hay không. Tôi đã phải dành nhiều thời gian để nói chuyện với bạn ấy, phải tranh thủ và làm bất cứ những gì có thể, dù đang bận chăm đứa bé. Tất nhiên lúc đó cũng vất vả nhưng không có cách nào khác là phải giải thích để con hiểu.

Khi em bé quấy khóc quá, tôi phải bảo với bạn lớn để yên cho mẹ dỗ em. Em nín và em ngoan thì mẹ mới có thời gian dành cho con được. Mẹ hãy cho bé thấy giá trị của việc chấp nhận có lợi hơn so với cứ lằng nhằng như thế. Cuối cùng, bạn ấy đồng ý. Mẹ đã thỏa thuận thì lúc có thời gian phải dành cho bạn ấy thật và không được phép hứa suông.

Tôi thấy sinh dày có cái thuận lợi vì các con chơi được với nhau; bố mẹ có cùng một công chăm sóc; quần áo của anh thì em mặc, đồ chơi của anh thì em chơi. Có điều, đứa sau thiệt thòi vì dùng lại đồ cũ của đứa trước. Cả hai anh em phải san sẻ bớt sự quan tâm cũng như thời gian cho người kia.

- Trong các video chị chia sẻ trên trang cá nhân, các con rất hứng thú cùng mẹ dọn dẹp và sẵn sàng giúp mẹ làm việc nhà. Chị đã rèn các bé như thế nào vậy?

- Hai bạn hiện cũng giúp được nhiều việc nhưng tôi không đòi hỏi nhiều vì thực ra tôi cũng không có nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi tạo cho các con thói quen, khi mẹ cần hỗ trợ, chúng rất vui vẻ.

Mẹ hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản. Giống như tập ăn hay tập nói, trẻ phải bắt đầu bằng những món ăn mềm và những từ đơn giản. Làm việc nhà cũng vậy. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ xíu như đi lấy điều khiển chẳng hạn, sau đó mới nâng cấp dần lên những việc khó hơn.

Mẹ cũng nên đề nghị các con chia sẻ công việc để bạn được nghỉ ngơi, vui vẻ và cả nhà sẽ có nhiều thời gian cho nhau hơn. Ngoài ra, bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo của mình, mẹ hãy biến công việc nhà thành những trò chơi lý thú theo sở thích, giới tính của các con. Mẹ biết động viên, khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ chẳng khác nào liều thuốc tăng lực cực mạnh. Các bé sẽ tự tin và hãnh diện vô cùng khi cha mẹ cũng đặt niềm tin vào mình.

Bình Minh (Ngôi Sao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem