Đàn ông Việt chết do ung thư nhiều nhất thế giới

Thứ tư, ngày 13/04/2016 06:00 AM (GMT+7)
Nam giới Việt có tỷ lệ cao mắc các bệnh ung thư khó chữa như phổi, gan, lại phát hiện muộn nên tỷ lệ tử vong do bệnh này thuộc nhóm đầu thế giới.
Bình luận 0

Chia sẻ về bức tranh bệnh ung thư tại Việt Nam tại hội thảo sáng 12/4 ở Hà Nội, Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, trong bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới Việt Nam được xếp ở mức thứ 3 với 135,2-178,3 ca mắc trên 100.000 người. Tỷ lệ tử vong do ung thư của đàn ông Việt nằm trong nhóm đầu tương đương một số nước khác, với hơn 142 ca tử vong trên 100.000 người.

Lý giải điều này, theo phó giáo sư Thuấn, nam giới Việt Nam thường mắc các bệnh ung thư khó chữa như phổi, gan. Bên cạnh đó, người dân nói chung đặc biệt là nam giới ý thức khám chữa bệnh kém nên phần lớn phát hiện bệnh và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn với tỷ lệ trên 70%, cơ hội chữa khỏi giảm nhiều.

img

Phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng là những loại ung thư nam giới Việt Nam hay mắc. 

Tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới trên 100.000 dân của toàn cầu được xếp theo 5 mức độ: trên 281,2; 178,3-281,1; 135,2-178,3; 89,8-135,2 và dưới 89,8.

Hầu hết bệnh ung thư ở nam giới Việt có xu hướng tăng lên. Ví dụ với ung thư phổi, tỷ lệ mắc trên 100.000 người vào năm 2000 là 29,3 sau 10 năm lên tới 35,1. Trong khi đó, bức tranh bệnh ở nữ giới khả quan hơn với tỷ lệ mắc và tử vong trên 100.000 đứng ở mức thứ 4. Phổ biến nhất là ung thư vú, cứ 100.000 người thì có khoảng 30 ca mắc loại ung thư này. Trong đó, ung thư cổ tử cung là loại duy nhất có xu hướng giảm từ 17,3 xuống 13,6 ca trên 100.000 người. Điều này cho thấy hiệu quả tuyên truyền hướng dẫn cách vệ sinh đường sinh dục, phòng tránh lây nhiễm HPV, qua đó gián tiếp giảm tỷ lệ mắc ung thư, phó giáo sư Thuấn cho biết.

Theo vị chuyên gia này, thực tế tại nước ta, hầu hết các loại ung thư vú, trực tràng, cổ tử cung, phổi, gan... người bệnh đều đến khám ở giai đoạn muộn. Với bệnh ung thư gan, gần 88% khám ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3 và 4), phổi84%. Một số ung thư nữ giới như vú, cổ tử cung, tỷ lệ người đến khám ở giai đoạn muộn ít hơn tương ứng với gần 50% và 54%. Qua đó cho thấy ý thức khám bệnh của chị em tốt hơn, cộng thêm ung thư nữ giới hay mắc thường ở cơ quan dễ để ý.

img

Ung thư phổi là loại ung thư thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta với tỷ lệ mắc lên đến 35,1 trên 100.000 người. Ảnh: B.V.

Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội),  cho biết thêm, ung thư là một trong những gánh nặng không chỉ của châu Á mà tất cả các châu lục khác. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2012 thế giới có thêm 14 triệu ca mắc ung thư mới; 8,2 triệu người tử vong. Con số này vào năm 2020 dự báo tăng lên 22 triệu và hơn một nửa số này có nguy cơ tử vong.

“Đa số bệnh nhân ung thư tử vong là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam. Căn bệnh này đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng”, tiến sĩ Phương nói.

Bệnh ung thư càng được phát hiện sớm thì điều trị đơn giản, hiệu quả cao, chi phí thấp. Công tác phòng chống bệnh ung thư tại nước ta vẫn còn nhiều thách thức: năng lực và trình độ chuyên môn của nhân viên y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, đặc biệt là y tế cơ sở; hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật chưa đầy đủ.

Nam Phương (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem