Chiều nay (12.4), trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Đỗ Thị Thu – Tổ trưởng Tổ liên kết nuôi cá điêu hồng ấp Phú Nhơn (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; do Hội Phụ nữ tỉnh Hậu Giang thành lập năm 2015) cho biết, hiện tình hình nuôi cá điêu hồng trên lồng bè gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều hộ dân ở thị trấn Mái Dầm quyết định ngưng thả nuôi cá điêu hồng do sợ môi trường nước bị ô nhiễm. Ảnh: Huỳnh Xây
Bà Thu phân tích, khi mới thành lập, tổ liên kết có đến 25 thành viên là hội viên hội phụ nữ ấp nhưng hiện nay chỉ còn vài thành viên nuôi với số lượng cá thả rất ít. Tới đây, vài thành viên này cũng sẽ nghỉ nuôi mặc dù được ngành chức năng hỗ trợ vốn, con giống và được tập huấn kỹ thuật trong quá trình nuôi.
“Nguyên nhân là do khu vực nuôi gần khu công nghiệp tập trung của tỉnh và khu dân cư nên nguồn nước có thể bị ô nhiễm, chất lượng nguồn nước thường thay đổi. Năm 2016, có trường hợp cá chết. Hơn nữa, giá cá bán ra quá thấp, chỉ còn 23.000 đồng/kg. Quá trời thua lỗ rồi, nhiều hộ có mức thua lỗ lên đến vài trăm triệu, riêng tôi lỗ 300 triệu” – Bà Thu nói.
Cũng theo bà Thu, hiện cuộc sống của các thành viên trong tổ gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ đã bán lồng bè với giá rẻ bèo để gỡ lại vốn và tìm kiếm ngành nghề khác mưu sinh. Tuy nhiên, do đã quen với nghề truyền thống lâu đời nên không dễ để chuyển sang nghề khác.
“Lo sợ nguồn nước thải ra từ khu công nghiệp và khu dân cư gần đó bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cá nên ngành chức năng đã vận động người dân không nên tiếp tục thả nuôi. Mô hình liên kết này có khả năng giải thể trong thời gian tới” – bà Nguyễn Thị Mỹ Lua – cán bộ hội phụ nữ xã Đông Phú cho biết.
|
Theo phóng viên tìm hiểu, trước đây, cuối năm 2016, ngành chức năng địa phương đã đến, chia sẻ khó khăn với những thành viên trong tổ liên kết trên, đồng thời vận động không nên thả nuôi những vụ cá tiếp theo.
Không riêng gì ở xã Đông Phú, nhiều hộ nuôi cá điêu hồng ở thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành) cũng đã quyết định ngưng thả nuôi do sợ môi trường nước bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Minh Thành, ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm nói: “Gia đình tôi có 10 lồng bè nhưng không dám thả nuôi do sợ nguồn nước sẽ gây ô nhiễm. Trước đây, nhờ 10 lồng bè này mà gia đình tôi thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/năm”.
Ông Trần Thanh Phong – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm cũng xác nhận, khu vực sông Mái Dầm có nhiều lồng bè nuôi cá điêu hồng phải tạm thời ngưng nuôi. Nguyên nhân là vì người dân sợ khi nhà máy giấy Lee&Man (do Trung Quốc đầu tư và đang hoạt động thử nghiệm) ở cạnh đó hoạt động sẽ xảy ra vấn đề không tốt đối với cá.
Thời gian qua, ở Hậu Giang, chỉ có xã Đông Phú, Mái Dầm và Phú Hữu thuộc huyện Châu Thành thả nuôi cá điêu hồng trên lồng bè. Từ năm 2015 đến giữa năm 2016, diện tích nuôi loại cá theo mô hình lồng bè phát triển rất nhanh. Thế nhưng, từ giữa năm 2016 đến nay, diện tích nuôi giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 18 lồng bè.
Ông Mã Anh Tuấn - Cán bộ kỹ thuật trạm thuỷ sản huyện Châu Thành cho hay: “Người dân thấy rủi ro cao trong khi lợi nhuận không có nên nghỉ nuôi. Một trong những nguyên bè dân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn nước bị ô nhiễm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.