Ông Nguyễn Ngô Hai trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Một điểm nhấn trong nghị quyết xây dựng Đảng lần này là việc xem xét lấy phiếu tín nhiệm của các vị lãnh đạo Đảng phải làm 2 năm một lần. Ai mà tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét cho thôi giữ chức vụ... Ông đánh giá gì về quy định này?
- Phải nói là tôi rất tâm đắc với những vấn đề được đặt ra trong nghị quyết xây dựng Đảng lần này. Vấn đề thứ nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm 2 năm 1 lần: Đã là cán bộ của Đảng hoặc bất cứ cán bộ cấp nào, đã có lên thì phải có xuống chứ không chỉ cứ lên, chỉ khi có kỷ luật hoặc phạm lỗi gì nghiêm trọng mới bị giáng chức.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị (giữa) trò chuyện với thanh niên về công tác cán bộ trẻ |
|
Thêm nữa, cứ để hết nhiệm kỳ 5 năm mới xét lại là không ổn. Cứ 2 năm xét phiếu tín nhiệm để xem lại là phù hợp. Tôi muốn có thêm một bước nữa là cán bộ đại diện cho dân như đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội thì “Đảng cử, dân bầu”, còn tổ chức trong Đảng thì “dân cử, Đảng bầu”. Ví như cấp uỷ muốn bầu bí thư thì nên hỏi ý kiến các đoàn thể nhân dân chứ không nên “kín như bưng” như hiện nay.
Thứ hai là phải gương mẫu, phê và tự phê từ trên trước. Lâu nay, chúng ta làm không được vì chỉ toàn “từ trên nhòm xuống”. Phải làm từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư trở xuống. Cái gì cũng thế, cứ “đầu xuôi thì đuôi mới lọt”!
Công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch cán bộ sẽ trở thành một khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, ông nhận định thế nào về điều này?
- Thời còn làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, tôi cũng đã từng đề cập với các đồng chí có trách nhiệm của Ban Tổ chức T.Ư rằng: Muốn tuyển cán bộ lãnh đạo như bí thư tỉnh uỷ chẳng hạn, cần 1 người có thể cử 10 người dự tuyển, lập một hội đồng tuyển chọn hoàn toàn mang tính chất khoa học chứ không liên quan gì đến tổ chức.
Chỉ cần kiểm tra 4 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, đã là bí thư tỉnh uỷ phải báo cáo được nghị quyết của T.Ư để địa phương triển khai, thực hiện. Thứ hai, phải biết chủ trì, kết luận hội nghị. Thứ ba, phải viết lách, tổng hợp được, chứ không phải cái gì cũng để thư ký làm thay hết. Cuối cùng, phải có kiến thức toàn diện cả an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hoá, xây dựng Đảng. Qua thi thố 4 nội dung, sẽ chọn người tốt nhất.
Nghị quyết T.Ư 4 có đề cập tới việc nâng cao hơn nữa công tác chất vấn trong Đảng. Theo ông, việc này phải làm ra sao?
- Những vấn đề quốc kế dân sinh mà Đảng bàn, phải để cho dân theo dõi, giám sát chứ. Đảng là của giai cấp, đại diện cho lợi ích toàn dân thì phải công khai hết cho dân biết, kể cả những vấn đề nhạy cảm như nhân sự. Theo tôi, Đảng phải nêu gương trước trong vấn đề này nếu muốn thực sự dân chủ. Nên tăng cường chất vấn trong Đảng vì đây cũng là một hình thức đối thoại với dân.
Tôi vinh dự được đi đón Bác Hồ 3 lần. Bác đến thăm công nhân, nông dân hay bộ đội lần nào cũng thấy hết sức giản dị, không có chuyện “trống dong cờ mở”. Bác thường ăn cơm nắm mang theo...
Ông Nguyễn Ngô Hai
Một vấn đề nữa tôi muốn nói là, không nước nào mà ban (ủy ban) Chống tham nhũng lại trực thuộc Chính phủ. Nó phải trực thuộc Quốc hội hoặc trực thuộc Đảng. Ai cũng biết đối tượng tham nhũng là chính quyền, nếu giao trách nhiệm chống tham nhũng cho Chính phủ thì khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tới đây, chúng ta phải xem lại khái niệm về những vấn đề mang tính cơ bản thì mới thay đổi được tình hình. Còn nếu không, có chăng chỉ làm cho tình hình đỡ xấu hơn mà thôi.
Về lý luận, Đảng vẫn phải khai phá và thiết kế lại cơ chế làm việc để thực sự là Đảng cầm quyền nhưng không can thiệp sâu. Đảng cầm quyền là “cầm” cán bộ, nhưng công tác cán bộ phải thực sự dân chủ.
Hải Phong (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.