Theo Trung tướng Khuê: “Việc chặt, phá rừng trái phép hiện đã được tổ chức thành một đường dây, gồm chính lực lượng kiểm lâm, quan chức địa phương bắt tay với lâm tặc. Đây là điều hết sức nhức nhối, nếu muốn hạn chế chặt, phá rừng trái phép, chúng ta phải giải quyết được khâu này”.
Cùng chung bức xúc như Trung tướng Khuê, ông Hà Công Tuấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) thừa nhận: “Tiêu cực của kiểm lâm hiện nay hết sức nhức nhối, đã xuất hiện cả việc kiểm lâm đi bảo kê cho lâm tặc, thậm chí còn bắt tay với chúng. Chúng ta phải có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này, nếu cứ để tình trạng trên bảo, dưới không nghe như thế này, chúng sẽ nhờn luật”.
Đối với việc khai thác, chặt phá rừng trái phép, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: “Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ cho phép khai thác 200.000m3 gỗ tự nhiên, nhưng chúng ta có thể kiến nghị tiến tới dừng hẳn việc khai thác gỗ ở khu vực Tây Nguyên.
Về vấn đề dùng hóa đơn giả để vận chuyển gỗ trái phép, nhất thiết phải ngăn chặn, nếu không chúng ta sẽ làm mất hình ảnh với thế giới, tuy chúng ta đang xuất khẩu được gần 4 tỷ USD từ lâm sản, nhưng thực tế Việt Nam lại đang như một xưởng mộc của thế giới. Chúng ta không thể vì lợi ích của một số người, mà làm mất đi hình ảnh của quốc gia”.
Đối với vấn đề buôn lậu gỗ, theo đánh giá hiện đang diễn ra hết sức nhức nhối ở khu vực biên giới giáp với Lào và Campuchia, Bộ trưởng Phát nói: “Vừa rồi, đi Campuchia, đích thân Thủ tướng Hun Sen và Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia đã đề nghị với tôi, Việt Nam cần chấn chỉnh lại việc buôn bán trái phép này. Do đó, theo tôi tới đây, bất kể sản phẩm gỗ nào khi nhập khẩu về từ Lào, Campuchia nhất thiết phải có giấy xác nhận của nước đó, còn gỗ đi lối tắt là bắt”.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.