Đăng ký tài khoản định danh điện tử thế nào để thay thế căn cước công dân?

Nguyễn Bình Thứ sáu, ngày 21/10/2022 20:22 PM (GMT+7)
Trong 2 mức độ tài khoản định danh, khi người dân đăng ký mức độ 2 sẽ có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch.
Bình luận 0

Ngày 20/10, Nghị định số 59/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử chính thức có hiệu lực thi hành. Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch.

Cũng bắt đầu từ ngày 20/10, mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử. Danh tính điện tử theo Nghị định số 59/2022 là thông tin của một cá nhân hoặc một tổ chức trong hệ thống định danh và xác thực điện tử cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử.

Tài khoản định danh điện tử có hai mức độ. Mức độ 1 bao gồm các thông tin: số định danh cá nhân, họ tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Ở mức độ 1, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để chứng minh các thông tin cá nhân đã được tích hợp vào tài khoản.

Đăng ký tài khoản định danh điện tử thế nào để thay thế căn cước công dân? - Ảnh 1.

Ứng dụng tài khoản định danh điện tử trên VNeID.

Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 và vân tay. Theo đó, với mức độ 2, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân (hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài) khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân.

Tài khoản mức độ 2 còn có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Trường hợp công dân chưa có thẻ căn cước công dân gắn chip, cơ quan Công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ căn cước công dân. 

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử, nếu chưa đủ 14 tuổi hoặc được giám hộ thì được đăng ký theo tài khoản của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Quy định này cũng áp dụng tương tự với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Khuyến cáo khi sử dụng ứng dụng định danh điện tử

Trước những lo ngại về việc lộ, lọt thông tin từ căn cước công dân điện tử, Đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06), cho biết ứng dụng định danh điện tử VNeID sẽ triển khai các tính năng bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân người dùng như cảnh báo đăng nhập tài khoản trên thiết bị lạ, tài khoản chỉ được đăng nhập vào một thiết bị tại một thời điểm, tăng cường độ mạnh mật khẩu tài khoản định danh, tính năng mật mã sử dụng một lần OTP gửi về email do công dân đăng ký….

Về vấn đề các đối tượng giả danh công an thực hiện đánh cắp tài khoản, thông tin, đại tá Tấn khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin gì liên quan đến thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản định danh điện tử, mật mã OTP được gửi về điện thoại đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua đường dây điện thoại hay chia sẻ cho cá nhân với bất kỳ hình thức nào khác.

Lực lượng công an sẽ không trực tiếp gọi điện cho công dân mà chỉ tiếp nhận xử lý các yêu cầu của công dân tại các trụ sở cơ quan công an theo đúng quy trình. 

Để không trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu, người dùng phải luôn đặt mật khẩu cho thiết bị cá nhân cũng như tăng cường độ mạnh của mật khẩu trên ứng dụng VNeID.

Mật khẩu được coi là mạnh phải chứa ít nhất 12 ký tự, bao gồm ký tự hoa, ký tự thường, ký tự chữ số và các ký tự đặc biệt. 

Thường xuyên định kỳ 3 tháng nên thay đổi mật khẩu của ứng dụng VNeID. Đồng thời, không lưu trữ mật khẩu dạng bản rõ tại thiết bị điện thoại hay trên các thiết bị khác.

Ngoài ra, công dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin liên quan đến thông tin cá nhân, thông tin liên quan đến tài khoản định danh điện tử cho người khác.

Thường xuyên cập nhật ứng dụng VNeID khi có bản cập nhật mới của Bộ Công an phát hành; cần đăng xuất tài khoản định danh điện tử khỏi ứng dụng VNeID ngay khi đã sử dụng xong và tránh sử dụng các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc cài đặt trên thiết bị cá nhân.

Trong trường hợp công dân bị lộ, mất tài khoản định danh điện tử thì gọi điện tới tổng đài tại C06 theo số 19000368 để yêu cầu khóa tài khoản hoặc đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Số liệu từ Bộ Công an, tính đến ngày 20/10, cả nước đã có gần 11,2 triệu tài khoản định danh điện tử được phê duyệt (trong đó mức 1 là gần 153.000 tài khoản, mức 2 là hơn 11 triệu tài khoản).

Cơ quan chức năng cũng duyệt tích hợp thông tin Bảo hiểm y tế cho hơn 1 triệu tài khoản định danh, thông tin Giấy phép lái xe cho 200.000 tài khoản.

Về hiệu quả, số lượng sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ nộp hồ sơ trực tuyến đến nay đã đạt 30.000 lượt đăng nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem