Đằng sau việc hàng loạt trường đại học thiếu hiệu trưởng: Càng để lâu, càng phức tạp

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 07/04/2021 18:40 PM (GMT+7)
Nhiều trường đại học tại TP.HCM đang khuyết chức danh hiệu trưởng. TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, chuyện thiếu nhân sự lãnh đạo trong trường học càng để lâu thì càng phức tạp.
Bình luận 0
Vì sao nhiều trường ĐH tại TP.HCM thiếu hiệu trưởng?

Đối với khối công lập, hiện nay, các trường đại học (ĐH) tại TP.HCM chưa có hiệu trưởng bao gồm: ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Nông Lâm, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Luật, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y Dược TP.HCM.

Đối với khối ngoài ngoài công lập, hai trường chưa có hiệu trưởng là ĐH Hoa Sen và ĐH Hồng Bàng. Trong đó, Trường ĐH Hoa Sen mới bổ nhiệm PGS.TS Võ Thị Ngọc Thuý nắm quyền hiệu trưởng. Còn Trường ĐH Hồng Bàng, PGS.TS Hồ Thanh Phong vừa dừng chức vụ hiệu trưởng vào cuối tháng 3/2021.

Thiếu hiệu trưởng, các trường đại học bị ảnh hưởng gì? - Ảnh 1.

Trường ĐH Luật TP.HCM hiện nay PGS.TS Trần Hoàng Hải nắm quyền hiệu trưởng.

Khi chưa có quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng, các trường ĐH trên đã đưa hiệu phó lên nắm quyền hiệu trưởng để tổ chức, điều hành hệ thống. Trong đó, Trường ĐH Y Dược TP.HCM bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Trường ĐH Nông Lâm bổ nhiệm PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Trường ĐH Luật TP.HCM bổ nhiệm PGS-TS Trần Hoàng Hải, Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm TS Trần Trọng Đạo, Trường ĐH Giao thông Vận tải bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch giao cho GS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp phụ trách trường cho đến khi có quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng.

Nói về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016-2021 cho rằng, các trường cần phải tìm ra nguyên nhân chính để có giải pháp phù hợp.

Về nguyên nhân, có thể do các cơ sở đào tạo chưa bồi dưỡng, chuẩn bị kịp thời đội ngũ kế cận. Cũng có thể do nhà trường chần chừ không làm qui hoạch, chần chừ thực hiện đề xuất cho hội đồng trường xem xét và đề nghị lên cấp trên theo qui định của luật pháp. 

"Tuy nhiên, cũng có thể do cơ quan chủ quản quan liêu, chậm giải quyết để đương sự phải "chạy" mới xong... Ngoài ra, không loại trừ những nguyên nhân khác như các trường đang thực hiện dự án còn dang dở, hoặc chạy cơ quan chủ quản, nên chậm ban hành quyết định bổ nhiệm người mới...", TS. Hoàng Ngọc Vinh nói.

TS Vinh cũng đưa ra giải pháp để giải quyết dứt điểm việc này. Theo đó, Hội đồng trường phải chủ động lên kế hoạch nhân sự và tuân thủ nguyên tắc Đảng uỷ lãnh đạo. Đồng thời, thực hiện luật Giáo dục Đại học mới ban hành. Ngoài ra, nhà trường cần qui trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu Bộ, ngành chủ quản của trường khi để xảy ra tình trạng như vậy.

"Chậm bổ nhiệm hiệu trưởng có thể là nguồn cơn của việc mất đoàn kết nội bộ. Một vài lời đồn thổi về các cá nhân có khả năng ngồi vào ghế hiệu trưởng dẫn đến chuyện kiện cáo, tố nặc danh trong nội bộ giữa các nhóm lợi ích. Câu chuyện nhân sự nếu càng để lâu sẽ càng phức tạp", TS. Hoàng Ngọc Vinh nhận định.

Chất lượng đào tạo có ảnh hưởng?

PGS.TS Trần Hoàng Hải – Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định, không có chuyện các trường ĐH bị ảnh hưởng vì khuyết danh hiệu trưởng. Ông cho biết, trường ĐH Luật hoạt động trơn tru, vẫn phát triển bình thường.

"Vì nhiều lý do khác nhau mà các trường chưa kiện toàn được hiệu trưởng. Nhưng các trường đều có người phụ trách được phân quyền hiệu trưởng thay thế và thực hiện các nhiệm vụ, chức năng như một hiệu trưởng. Hiệu trưởng là người quản lý hành chính, còn chất lượng đào tạo là do các thầy cô, trưởng khoa chuyên môn đảm trách. Do đó, không thể có chuyện chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng", ông Hải nói.

Thiếu hiệu trưởng, các trường đại học bị ảnh hưởng gì? - Ảnh 3.

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, thiếu hiệu trưởng không ảnh hưởng đến công tác điều hành, giảng dạy của nhà trường

Đồng tình với quan điểm trên, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng việc thiếu hiệu trưởng không ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Vì chất lượng đào tạo được hình thành từ tất cả các thành viên trong trường, từ giảng viên đến sinh viên, từ cán bộ, nhân viên… góp phần làm nên. Khi trường không có hiệu trưởng thì các hiệu phó và các trưởng khoa cùng Hội đồng trường vẫn phải tham gia quản lý đào tạo.

Tất nhiên, khi không có hiệu trưởng, nhà trường sẽ gặp phải một số vấn đề thuộc thẩm quyền hiệu trưởng như đầu tư, tuyển dụng, mua sắm... Nếu không ai quyết thay sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem