Vẫn còn chần chừ trong đổi mới chính trị
Trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 10, khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tới khái niệm "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế". Ông đánh giá thế nào về khái niệm “đổi mới chính trị”? Chúng ta đã thực hiện đổi mới chính trị thế nào thời gian qua?
Nguồn: Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
- Thực chất, đổi mới chính trị là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên, trong gần 30 năm đổi mới thì kết quả đổi mới kinh tế khá rõ nét, nhưng kết quả đổi mới chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa tương xứng với thành quả của đổi mới kinh tế. Chậm đổi mới chính trị do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Do quá thận trọng, thậm chí là có những biểu hiện chần chừ, do dự và do tư tưởng ngại va chạm vì nó đụng chạm đến lợi ích của tập thể, cá nhân trong cả hệ thống chính trị nên tập thể lãnh đạo và người đứng đầu thiếu quyết tâm đổi mới.
Trên thực tế, đổi mới chính trị có mối quan hệ mật thiết với đổi mới kinh tế. Đổi mới chính trị tốt sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển và ngược lại. Đổi mới kinh tế tốt sẽ tạo điều kiện tiền đề để đổi mới chính trị. Do đó, yêu cầu “đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế” mà Tổng Bí thư đặt ra là yêu cầu khách quan để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tổng Bí thư cũng nhắc tới việc phải “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”. PGS có thể cho biết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn này, khi tình hình quốc tế biến chuyển không ngừng, thì điều gì là quan trọng nhất ?
- Phương thức lãnh đạo cần được đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với điều kiện đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ, khó lường, vấn đề quan trọng nhất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là Đảng thường xuyên nắm chắc tình hình, nâng tầm tư duy lý luận, đề ra đường lối chủ trương đúng đắn, huy động mọi nguồn lực xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước, lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật, coi trọng kỷ cương, phép nước, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đảng lãnh đạo thông qua việc lãnh đạo các đoàn thể nhân dân, xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng trong sạch vững mạnh từ Trung ương đến cơ sở. Đảng cũng lãnh đạo thông qua kiểm tra, giám sát nhằm xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đội ngũ đảng viên tiên phong, gương mẫu, không tham nhũng và luôn vì dân phục vụ.
Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm của trong công tác, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ.
Vừa qua, trên Internet có nhiều thông tin xuyên tạc, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thể tạo ra tâm lý hoang mang cho đảng viên, quần chúng. Theo PGS, Đảng cần phải có sự thay đổi ra sao trong công tác tư tưởng, tuyên truyền trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay ?
- Đúng là thời gian qua đã có rất nhiều thông tin xuyên tạc, bôi xấu các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thông tin đó phát tán rất nhanh, dễ gây ra tâm lý hoang mang cho đảng viên và quần chúng. Vấn đề này phải được quan tâm giải quyết không chỉ lập lại kỷ cương trong quản lý các phương tiện thông tin đại chúng với hệ thống pháp luật đủ mạnh và công cụ quản lý hữu hiệu mà còn phải nâng cao trình độ hiểu biết trong nhân dân, tạo khả năng “đề kháng” trước những thông tin thiếu khách quan, có dụng ý xấu. Đồng thời, các cơ quan chức năng và các cơ quan thông tin của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội phải kịp thời nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận trong nhân dân, thường xuyên thông tin rõ ràng, đầy đủ, công khai, kịp thời trên các phương tiện chính thống để bác bỏ những thông tin xấu, định hướng dư luận.
Đẩy lùi suy thoái về tư tưởng
Nhiều ý kiến cho rằng, trong mọi lĩnh vực nếu như có sự cạnh tranh thì mới có sự phát triển và lĩnh vực chính trị cũng không là ngoại lệ. Đảng ta là Đảng cầm quyền duy nhất suốt 85 năm qua, điều này có ý nghĩa thế nào tới sự phát triển của quốc gia, dân tộc?
Quan điểm
Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta. Đổi mới Đảng để Đảng xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước”.
- Nhìn ra thế giới chúng ta có thể thấy, không phải cứ nhiều đảng thì có dân chủ mà ít đảng thì không dân chủ. Có những nơi nhiều đảng nhưng cũng không có dân chủ. Ở Trung Quốc đa đảng nhưng lại nhất nguyên chính trị, với chế độ: Một đảng lãnh đạo đa đảng hợp tác. Trên thế giới cũng có rất nhiều mô hình đảng cầm quyền khác nhau: Có đảng duy nhất cầm quyền, có đảng liên kết cầm quyền, có đảng thay nhau cầm quyền… Vấn đề là chính sách, đường lối, quan điểm của các đảng ra sao thôi chứ không phải nặng nề về mặt thể chế. Khi có nhiều đảng cạnh tranh cũng có cái thúc đẩy sự phát triển, nhưng cũng có thể gây ra khủng hoảng tinh thần trong xã hội, dẫn đến tình trạng bè phái, xung đột chính trị, thậm chí cả xung đột bạo lực.
Với tư cách một người nghiên cứu lâu năm, tôi cho rằng nếu chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo thì đảng đó phải tập trung nâng cao vai trò của nhân dân trong xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách. Một mình anh đại diện cho các thành phần trong xã hội, chính sách của anh phải khiến cho người ta thừa nhận, ai cũng thấy được cái lợi của mình trong đó, được thụ hưởng chính sách đó. Rõ ràng chúng ta từng rất nghèo, từng phải giải quyết vấn đề xã hội sau chiến tranh. Việc phân cực giàu nghèo chúng ta đã giải quyết tốt hơn nhiều nước khác, những bất công xã hội cũng được hạn chế tối đa. Tuy chưa thể hài lòng hết nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận đó là những thành tựu lớn mà Đảng đã đạt được.
Nhưng tôi mong muốn một điều rằng, Đảng ta phải có sự bổ khuyết: Thứ nhất là phải phát huy tối đa sức dân trong việc tham gia, đóng góp vào các đường lối, chủ trương. Thứ hai là phải khắc họa sâu sắc vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Tôi cho rằng những cái mà chúng ta vẫn gọi là chính sách theo kiểu lợi ích nhóm, nếu có sự phản biện của mặt trận sẽ không có đất tồn tại.
Đối với công tác xây dựng Đảng, theo ông, Đảng ta cần phải có thêm những đột phá nào sau Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4?
- Chưa cần phải thêm đột phá nào cả. Chúng ta phải tập trung sức mạnh hơn nữa để tiếp tục triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ cấp bách mà Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra, mà quan trọng nhất chính là nhiệm vụ thứ nhất: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Để hạn chế những nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng trong tương lai, theo tôi, biện phát tốt nhất là xây dựng, khôi phục lại niềm tin của nhân dân với Đảng. Khi dân đã tin Đảng thì bất cứ ở đâu, khó khăn ra sao, người dân vẫn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng. Xây dựng niềm tin cho nhân dân, nhưng không phải tuyên truyền thuần túy. Đảng viên phải sống trong dân, phải thật tâm với nhân dân, trung thành với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Đây là biện pháp số 1. Người dân tin Đảng chính là nhờ qua từng hành động, việc làm cụ thể của mỗi đảng viên chứ không phải từ những cái chung chung.
Xin cảm ơn PGS!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.