“Đánh bạc” với lúa Nhật Bản

Hữu Danh Thứ sáu, ngày 18/12/2015 09:05 AM (GMT+7)
Chất lượng và lợi nhuận khá cao do giống lúa Nhật mang lại cho nhiều nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, do người dân đang ồ ạt trồng nên nguy cơ thừa sản lượng, không tiêu thụ sản phẩm hiển hiện.
Bình luận 0

Hạn chế đầu ra

Tại buổi gặp gỡ giữa đoàn chuyên gia của tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) và lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp vừa qua, ông Hsao Utsigi - chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản cảnh báo không nên mở rộng việc trồng giống lúa Nhật tại Việt Nam.

img

Thu hoạch lúa Nhật ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang. HD

Theo ông Hsao Utsigi, Nhật Bản đã chuyển đổi 30% diện tích trồng lúa sang trồng rau màu hoặc các giống lúa làm thức ăn cho gia súc do sản lượng lúa bắt đầu có hiện tượng dư thừa. Do đó việc nông dân Việt Nam trồng lúa Nhật rồi xuất khẩu vào thị trường Nhật cần phải cẩn trọng để tránh thua lỗ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong năm 2014, Đồng Tháp trồng tổng cộng khoảng 2.000ha lúa Nhật. Riêng vụ đông xuân này, Đồng Tháp đã trồng 1.080ha lúa Nhật. “Giống lúa Nhật gieo sạ chủ yếu là giống ĐS1.

Đây là giống lúa hạt nhỏ, tròn và cơm rất dẻo. So với các giống lúa thông dụng, năng suất lúa Nhật tương đương. Trong khi đó, giá lúa Nhật lại cao hơn hẳn, từ 6.300 - 6.500 đồng/kg lúa tươi trong khi các loại lúa của ta chỉ khoảng 5.500 đồng/kg. Với lúa, mức chênh lệch này là rất lớn - ông Công phân tích.

"Do chưa được công nhận nên nông dân Đồng Tháp lấy lúa thịt làm lúa giống, lâu ngày sẽ dễ sinh tạp lẫn. Do thời gian sinh trưởng của lúa Nhật dài (115 - 120 ngày so với lúa thường từ 95 - 100 ngày) nên trồng liên tục sẽ đẩy lệch mùa vụ.

Dù không cấm đoán bà con nhưng chúng tôi khuyến cáo giai đoạn này không nên trồng. Tốt nhất, phải có hợp đồng bao tiêu vì đây là giống lúa rất kén người ăn” .
Ông Nguyễn Văn Công

Do không có doanh nghiệp bao tiêu nên thu hoạch xong nông dân Đồng Tháp phải bán ngược qua An Giang. Nói là 2 tỉnh nhưng chỉ cách có một con sông thôi. Điều bất lợi là cho đến nay lúa Nhật chỉ được công nhận và cho sản xuất ở khu vực đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc, chưa có khảo nghiệm ở miền Nam và chưa được công nhận ở miền Nam.

Cũng theo ông Công, ngành nông nghiệp khuyến cáo, nếu không có hợp đồng bao tiêu thì không trồng lúa Nhật, vì giống lúa này rất kén người ăn.

“Hạt cơm rất dẻo, ngoài làm cơm thì không chế biến món khác được. Lúa Nhật không thể bán cho thị trường thấp cấp, lại càng không thể chế biến thức ăn gia súc nên nếu trồng mà không có đầu ra thì sẽ thua lỗ” - ông Công đánh giá.

Chỉ nên trồng theo hợp đồng

Ông Võ Nguyên Nam - Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, giống lúa Nhật tại An Giang hiện trồng theo quy hoạch, hạt giống do Công ty TNHH Angimex - Kitoku (liên doanh giữa Công ty TNHH Angimex thuộc Công ty CP XNK An Giang với Công ty Kitoku Nhật Bản) cung cấp. Theo đó, 4 giống lúa Hana, Kinu, Akita và KZ4 được mang từ Nhật sang: “Ai có hợp đồng thì trồng. Còn ngoài hợp đồng thì không bán được, số lượng đặt hàng tương đối cố định, nếu vượt ngoài sẽ không bán được”.

Là một trong những nông dân đầu tiên trồng lúa Nhật, tỷ phú nông dân Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức; ngụ xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang) chia sẻ: “Làm ăn với người Nhật phải hết sức nghiêm túc, bảo đảm sản xuất đúng quy trình từ khâu chọn giống, gieo cấy, chăm sóc... Đặc biệt, người Nhật rất chú trọng khâu khử lẫn để sản phẩm làm ra có sự đồng nhất cao. Lúa sau khi thu hoạch phải thật khô và sạch. Bù lại, nếu hạt lúa đạt yêu cầu thì công ty sẽ mua ngay cho nông dân với giá cao”.

Ông Akira Omori - Phó Giám đốc Công ty TNHH Angimex - Kitoku, cho biết, thật ra công ty đã có mặt tại An Giang trên 20 năm. Tuy nhiên, phải mất hơn chục năm để khảo nghiệm và thử nghiệm cây lúa Nhật trên nhiều vùng đất khác nhau, sau đó mới triển khai cho nông dân áp dụng. “Để đáp ứng nhu cầu hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân, năm 2014, công ty đã xây dựng kho chứa lớn tại Ba Thê (huyện Thoại Sơn) để có thể mua lúa tươi và lúa khô trong khu vực. Đây là bước tiến gần hơn đến với nông dân vì ích lợi của nông dân cũng là lợi ích của doanh nghiệp” - ông Akira Omori nói.

Theo ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang, diện tích lúa Nhật toàn tỉnh vào khoảng 6.000ha, toàn bộ đều được bao tiêu. “Công ty đã bao tiêu thì nhiều hay ít họ cũng sẽ mua, vì từ giống tới vật tư nông nghiệp đều do họ cung ứng. Do đó, nếu trồng theo hợp đồng thì không có gì phải lo ngại” - ông Thư nói.

Cũng theo ông Thư, nói là lúa Nhật nhưng để xuất sang Nhật là điều không dễ dàng, vì các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường này rất khắt khe: “Nói là lúa Nhật nhưng cũng bán nhiều cho các nước có cộng đồng người Nhật sinh sống. Người Nhật ít đất nông nghiệp, chi phí nhân công cũng rất cao nên nhà nước của họ cũng không mặn mà chuyện nhập lúa từ nước khác để bảo vệ nông dân trong nước”.

Giống lúa Nhật là gì?

img

Nông dân Nguyễn Lợi Đức và chùm lúa Nhật hạt tròn. HD

Giống lúa Nhật (ĐS1) có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Bộ NNPTNT công nhận giống quốc gia năm 2010. Đây là giống lúa thuần, giống cảm ôn nên gieo cấy được nhiều vụ trong năm; khả năng thích ứng rộng. Thời gian sinh trưởng của giống ĐS 1 khá dài: vụ xuân 145-155 ngày; vụ mùa 110-120 ngày; chiều cao cây: 100-110cm ; ít bạc bụng, nảy mầm chậm; chất lượng cao, cơm mềm, vị đậm, ăn ngon. ĐS1 cho năng suất rất cao, trung bình 6,5- 7 tấn/ha, cao nhất đạt 8,5-9,0 tấn/ha trong vụ xuân.               

P.V

GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ: Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch lớn

Lợi nhuận từ việc trồng lúa Nhật đã quá rõ. Nông dân cũng không quá khó để làm theo đúng quy trình của người Nhật. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch vẫn còn lớn vì bông lúa rất dai. Do đó, chỉ có loại máy gặt sản xuất từ Nhật Bản mới giải quyết được vấn đề này. Mặc dù nhiều doanh nghiệp tranh nhau mua cho bằng được lúa Nhật để chế biến xuất khẩu nhưng không vì thế mà nông dân trồng đại trà trên diện rộng. Bởi hiện tại, thị trường tiêu thụ loại lúa này không lớn, chủ yếu do công ty Nhật làm theo nhu cầu của họ.

Phương Dung

Cục Trồng trọt: Cần làm đúng quy trình

Hôm qua (17.12), trao đổi với phóng viên NTNN, đại diện Cục Trồng Trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Về cơ bản, cái gì có lợi cho dân, chúng tôi hết sức ủng hộ, nhất là đối với giống lúa Nhật. Thực tế, đây là giống lúa rất tốt cho người nông dân, nhưng với điều kiện sản xuất phải có hợp đồng và cam kết đầu ra cho sản phẩm”.

Theo đại diện của Cục Trồng trọt, hiện có một số doanh nghiệp sản xuất theo cánh đồng lớn đã ký kết hợp đồng với người nông dân để trồng giống lúa này, rồi thu mua xuất khẩu đi Nhật. Việc này của họ không sai, nhưng họ thực hiện chưa đầy đủ theo quy định bởi không báo cáo với Sở NNPTNT địa phương. Vì thế, nếu xảy ra việc gì, ai sẽ phải chịu trách nhiệm, nông dân biết kêu ai?. “Đây là giống tốt, nhưng quan trọng là phải có cam kết đầu ra, vì 100% giống này đều xuất khẩu đi Nhật với giá trị gia tăng. Tuy nhiên, chỉ có điều các doanh nghiệp khi triển khai cho dân trồng không báo cáo với cơ quan chức năng, để khi có vấn đề gì xảy ra cần có cơ quan làm trọng tài”- vị đại diện này nói.

Văn Ngọc

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem