Với con số hơn 6.200 người nhập viện do đánh nhau trong dịp tết, đây có phải là điều đáng báo động không, thưa ông?
Một ca cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức do xô xát. Ảnh: DL
- Từ trước đến nay người ta có đánh nhau trong dịp Tết Nguyên đán không, cần khẳng định là vẫn có. Có lẽ lần đầu tiên trong phiên họp Chính phủ nhân dịp tổng kết lại những hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành y tế khi báo cáo nên có con số những người nhập viện vì đánh nhau.
Con số này tôi không biết mức chính xác thế nào, được thống kê ra sao, nhưng cứ xem như con số từ cơ quan quản lý nhà nước về chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân là đáng tin cậy thì đây đúng là điều đáng ngạc nhiên.
Ta thử chia cho 9 ngày nghỉ tết thì trung bình mỗi ngày có khoảng 700 người bị thương từ những chuyện va chạm, xung đột, đánh nhau. Nếu thế, đây thực sự là con số đáng báo động. Đáng báo động hơn nữa vì chúng ta chưa có con số thống kê hàng năm.
Năm đầu tiên có thống kê và báo cáo với hơn 6.200 trường hợp khiến chúng ta có những suy nghĩ, quan ngại sâu sắc. Bởi vì như vậy thì tính chất, mức độ xung đột, mức độ sử dụng bạo lực trong đời sống văn hóa cộng đồng đã thực sự là một mối lo âu.
Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến những vụ xô xát gây thương tích cho nhau trong dịp tết là do đâu?
PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
- Về nguyên nhân, có lẽ phân tích theo mặt chủ quan thì chúng ta thấy trong những dịp nghỉ tết, chắc chắc do những chuyện cọ xát va chạm, sinh hoạt cộng đồng tần suất tăng lên từ những cuộc dạo chơi, tham gia bài bạc, tổ chức ăn uống...
Suy cho cùng mẫu số chung xem chừng do các hoạt động hội lễ, đặc biệt con người sử dụng đồ uống có cồn hoặc những chất kích thích khác. Điều đó nghe chừng cũng có vẻ logic với thông tin mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia, chưa tính rượu.
Nhưng đừng đổ hết lỗi cho "ma men". Bên cạnh chuyện do uống rượu thì nguyên nhân sâu xa có thể do trong đời sống của chúng ta có quá nhiều rạn nứt, quá nhiều sự băn khoăn, lo âu, bực tức, dồn nén, lại đúng vào dịp nghỉ tết sử dụng nhiều rượu, bia, không làm chủ được bản thân dẫn đến xô xát, hành hung nhau. Bên cạnh đó việc xô xát dẫn đến bị thương còn có thể từ chuyện tranh giành lợi ích này kia.
Nhưng tỷ lệ lớn theo tôi vẫn do nguyên nhân sử dụng rượu bia.
Nếu nói sử dụng rượu bia trong dịp tết thì từ trước đã có chứ không phải bây giờ. Nhưng dường như hiện nay người ta thích dùng bạo lực để hành xử khi có mâu thuẫn hơn thì phải, thưa ông?
- Nó xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất trong xã hội chúng ta, nhiều mối quan hệ xây dựng chưa dựa nhiều trên cơ sở nhân văn mà trên cơ sở lời lãi, lợi ích, thu nhập, đó là mặt trái của cơ chế thị trường.
Điểm nữa là sự đứt gãy trong hệ giá trị. Cái người ta theo đuổi là cái được cho họ chứ không nhất thiết phải cho người khác. Tôi lấy phần tôi chứ không việc gì phải nhường cho ai.
Cùng với đó cộng thêm các yếu tố tổng hòa từ bên ngoài khi chúng ta mở cửa hội nhập như phim ảnh, Internet...
Xin cảm ơn ông!
LS Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Rất nhiều vụ đánh nhau không bị xử lý
Tôi thường tham gia bào chữa các vụ án do TAND TP.Hà Nội xét xử thấy rất nhiều trường hợp gây án mạng, gây thương tích cho người khác hoặc gây rối trật tự công cộng xuất phát từ rượu bia, đó là những vụ án xảy ra ngày thường. Với hành vi cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác mà tỷ lệ thương tật trên 11%, hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí như dao, kiếm, tuýt sắt, gạch, đá... là đủ căn cứ xử lý hình sự.
Tuy nhiên việc khởi tố xử lý là phải theo yêu cầu của bị hại hoặc đại diện bị hại. Chính vì thế con số mà ngành y tế thống kê với 6.200 trường hợp nhập viện do đánh nhau có thể chính xác, nhưng việc xử lý những sai phạm trên ra trước pháp luật thì chưa có căn cứ để khẳng định.
Ngọc Lương (ghi)
Xung quanh sự việc hành hung tại hội Đền Gióng (Hà Nội): Không có chuyện mất an ninh trật tự (?)
Ngày 26.2, UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã có báo cáo gửi Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hà Nội về sự việc hỗn loạn, giành kiệu hoa tre tại Lễ hội đền Gióng vào sáng 24.2. Văn bản khẳng định có hiện tượng tranh giành, hỗn loạn khi cướp hoa tre tại hội Gióng, nhưng không có yếu tố gây mất trật tự an ninh, và chưa đến mức phải xử lý về mặt pháp lý. Sự việc báo chí phản ánh chỉ là xô xát, đã được các lực lượng chức năng can thiệp, giải tán kịp thời, không có hiện tượng ẩu đả đánh nhau.
Phía huyện Sóc Sơn cũng xin được rút kinh nghiệm và nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở những trường hợp hơi “quá tay” của đội bảo vệ kiệu hoa tre.
Long Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.