Danh tướng Lưu Nhân Chú: Khai quốc công thần nhà Lê, bị bạn đồng liêu sát hại
Danh tướng Lưu Nhân Chú: Khai quốc công thần nhà Lê, bị bạn đồng liêu sát hại
K.N
Thứ sáu, ngày 05/04/2024 22:30 PM (GMT+7)
Suốt 10 năm gian khổ chống lại quân xâm lược nhà Minh, Lưu Nhân Chú đã liên tục có nhiều cống hiến to lớn cho nghĩa quân Lam Sơn, nhưng vào thời thái bình thịnh trị, chỉ vì bị bạn đồng liêu, cũng là người từng vào sinh ra tử với mình là Lê Sát ghen gét, Lưu Nhân Chú đành phải tức tưởi mà chết.
Theo sách "Danh tướng Việt Nam", Lưu Nhân Chú người xã An Thuận Thượng (nay là xã Vân Yên), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Hiện vẫn chưa ai rõ Lưu Nhân Chú sinh vào năm nào. Lý lịch xuất thân của Lưu Nhân Chú chỉ được sử cũ ghi chép rất vắn tắt như sau: Tuổi trẻ của ông rất nghèo khó. Ông phải buôn bán lặt vặt để kiếm sống. Gia phả nhà họ Lưu cho biết thêm vài chi tiết, họ Lưu đã ba đời nối nhau làm quan ở Thái Nguyên, từng được nhà Trần phong tới tước Hầu. Khi Lê Lợi chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung đã hăng hái đến hưởng ứng.
Năm 1416, Lưu Nhân Chú là một trong số 18 người tham dự Hội thề Lũng Nhai và là thành viên đầu tiên của Bộ chỉ huy Lam Sơn, chức vụ là phó chỉ huy vệ binh trong đội quân Thiết Đột. Lưu Nhân Chú đã liên tục có nhiều cống hiến lớn cho nghĩa quân Lam Sơn nói riêng và cho sự nghiệp cứu nước cứu, dân ở đầu thế kỷ XV nói chung. Tên tuổi của ông gắn liền với những sự kiện lớn sau đây của phong trào Tây Sơn:
Tháng 10 năm 1424, Lam Sơn đã táo bạo đánh vào Nghệ An để "tìm đất đứng chân". Cuộc tấn công này đã khiến cho quân Minh rất bối rối. Tướng giặc là bọn Trần Trí và Phương Chính đã lập tức cho quân đuổi theo. Chúng dự kiến sẽ bất ngờ đánh vào Trà Lân, tiêu diệt bộ phận quan trọng nhất của lực lượng Lam Sơn tại đây. Nhưng mưu toan đánh bất ngờ của chúng đã sụp đổ bởi Lê Lợi đã cho các tướng đem quân tới chiếm lĩnh "vùng đất hiểm" Khả Lưu, nằm án ngữ ngay dọc đường tiến vào Trà Lân. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã khôn khéo tổ chức thành công 2 trận mai phục liền. Trận thứ nhất khiến cho Trần Trí và Phương Chính phải vội vã lui quân, để lại đến "hàng vạn xác chết". Trận thứ hai, Trần Trí và Phương Chính đại bại, phải bỏ chạy về tận Tây Đô. Trận này, quân ta chém được nhiều không kể xiết, chiến thuyền của chúng ngổn ngang, xác chết nghẽn cả nước, khí giới vứt bỏ như núi, như gò. Trong trận này, ta bắt sống được tướng giặc Chu Kiệt và giết được tướng giặc Hoàng Thành, bất sống được hơn một vạn quân Minh.
Mùa Hè năm 1425, sau khi đã giải phóng vùng đồng bằng Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa, Lam Sơn liền cử một loạt tướng lĩnh cầm quân tiến ra giải phóng vùng đồng bằng Thanh Hóa. Hai vị tướng đi tiên phong trong trận tấn công này là Lê Sát và Đinh Lễ. Hai vị tướng này đem quân đi đánh Diễn Châu và sau khi thắng lớn ở Diễn Châu, họ liền cho quân tiến thẳng ra Thanh Hóa. Nghe tin này, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn liền cử tiếp các tướng Lý Triện, Lưu Nhân Chú và Bùi Bị đem 2000 quân tinh nhuệ cùng 3 thớt voi theo đường tắt tiến gấp Thanh Hóa để tiếp ứng. Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, nghĩa quân Lam Sơn đã giải phóng toàn bộ vùng đồng bằng Thanh Hóa rộng lớn và buộc lực lượng quân Minh ở đây phải rút vào cố thủ trong thành Tây Đô.
Bấy giờ, chỉ huy quân Minh ở Thanh Hóa là các tướng Đả Trung, La Thông và viên ngụy quan tay sai là Lương Nhữ Hốt. Thành Tây Đô mà chúng cố thủ là một trong những thành lớn và kiên cố lúc bấy giờ. Thành có hai lớp. Lớp ngoài gọi là thành ngoại, chu vi 18km, đắp bằng đất. Lớp trong gọi là thành nội, chu vi khoảng 3km, xây bằng đá tảng cỡ lớn, rất chắc chắn. Thành được xây theo lối nội thành ngoại hào (một lớp hào sâu rồi đến một lớp thành cao). Sau khi cùng các tướng nói trên ồ ạt tấn công và giải phóng được vùng đồng bằng Thanh Hóa, Lưu Nhân Chú ngày đêm cho quân vây hãm ráo riết đối với thành Tây Đô.
Cái chết của Lưu Nhân Chú
Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, trong suốt 10 năm gian khổ chống lại quân xâm lược nhà Minh, Lưu Nhân Chú đã liên tục có nhiều cống hiến to lớn cho nghĩa quân Lam Sơn nói riêng và cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân ở đầu thế kỷ XV nói chung. Vì những công lao ấy, năm 1428, Lưu Nhân Chú được phong là Suy Trung Tán Tri, Hiệp mưu Dương Vũ Công thần, Nhập nội Kiểm hiệu, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự. Tháng 5 năm 1429, triều Lê dựng biển khắc tên 93 vị Khai quốc Công thần, tên của Lưu Nhân Chú đứng ở hàng thứ 5 và ông cũng được nhà vua ban quốc tính. Đến năm 1431, ông được phong là Nhập nội Tư khấu.
Tiếc rằng trong suốt 10 năm "nếm mật nằm gai" cùng vua Lê đánh Nam dẹp Bắc, xông pha trận mạc trăm trận có thừa, binh hùng tướng mạnh của giặc chẳng thể làm cho Lưu Nhân Chú ngã gục, nhưng vào thời thái bình thịnh trị chỉ vì bị bạn đồng liêu, cũng là người từng vào sinh ra tử với mình là Lê Sát ghen gét, Lưu Nhân Chú đành phải tức tưởi mà chết. Năm 1437, khi vua Lê Thái Tông khôn lớn, tự mình cầm quyền, biết được nỗi oan của ông, bèn trị tội giết Lê Sát. Và đến năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông là Thái phó Vinh quốc công. Thế mới hay rằng, lịch sử bao giờ cũng công bằng đối với những người có công với dân, với nước và mong rằng hậu thế đừng ai giẫm phải vết xe đổ của người xưa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.