Theo lời kể của cụ Lê Trinh Ngát (87 tuổi, người làng Xuân Sơn), mẹ ông Lê Phụng Hiểu trong một lần vào rừng nhặt củi, phát hiện một bàn chân to, bà liền ướm thử, bỗng nhiên sau đó sinh ra ông (thời Tiền Lê năm 980 – 1009). Tương truyền, ông là người cao lớn, tướng mạo, có sức khỏe lạ thường, có niềm đam mê các môn võ thuật, là một đô vật nức tiếng của vùng.
Hai quả núi Xuân Sơn hay còn gọi núi Mùa Xuân, tượng trưng cho hai bó củi trong truyền thuyết dân gian ông Bưng vật ông Vồm tại làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn, Hoằng Hóa.
“Đại Việt sửu ký toàn thư” có viết, trong một lần tranh chấp địa giới ruộng vườn, người dân hai làng bên cạnh Kẻ Bưng là Cổ Bi và Đàm Xá lời qua tiếng lại. Làng Đàm Xá cậy có nhiều trai tráng ức hiếp, xâm lấn nhiều ruộng của Cổ Bi. Lúc đó, Lê Phụng Hiểu đã trưởng thành, ông nói một mình có thể đánh thắng làng Đàm Xá, lấy lại ruộng cho Cổ Bi. Dân làng mừng rỡ, bèn làm cơm khoản đãi Lê Phụng Hiểu. Thanh niên làng Đàm Xá thấy ông, kéo nhau ra tấn công, ông điềm nhiên nhổ bật cụm tre ven đường vung lên quật tới tấp. Dân làng hoảng sợ bỏ chạy, buộc phải trả hết ruộng vườn cho làng Cổ Bi.
Thời đó, gặp dịp vua Lý Thái Tổ tuyển binh bổ sung Túc vệ (lính hầu và bảo vệ Hoàng đế), ông được chọn, nhờ võ nghệ siêu quần, lại siêng năng, tháo vát, dần dà thăng lên chức Vũ vệ tướng quân.
Sau khi vua Lý Thái Tổ mất, ba vương khác (con trai vua) là Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đã đem quân vây hãm Cấm Thành hòng tranh quyền đoạt vị với Khai Thiên Vương (Thái tử Lý Phật Mã, nguyên được vua cha yêu mến, lập nhiều chiến công, là người được chọn kế vị ngai vương).
Đêm hôm trước Thái tử Lý Phật Mã có nằm mơ thấy thần Trống Đồng (Đồng Cổ, nay thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định) báo mộng, đem quân vào Tường Phù (cửa Đông của Long Thành), đến điện Càn Nguyên, sai người đóng hết các cửa điện, sai phòng giữ cẩn thận, rồi cùng bộ hạ bèn kế sách (Theo cuốn Văn tài võ lược xứ Thanh).
Lúc ấy, Lê Phụng Hiểu tuốt gươm sáng, chạy đến cửa Quảng Phúc thét lớn: “Các hoàng tử muốn tranh ngôi báu, không nghĩ đến Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, Phụng Hiểu xin dâng các ngài nhát kiếm này”. Tức thì, chém chết Vũ Đức Vương, Đông Chính vương và Dực Thánh vương xô nhau chạy thoát.
Đền thờ Lê Phụng Hiểu, nay tại làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn, Hoằng Hóa.
Dẹp xong loạn thế “Tam vương”, Phụng Hiểu chạy đến bên Phật Mã, Thái tử vui mừng, ca ngợi lòng trung thành, sự gan dạ hiếm thấy của ông, bèn lệnh ban thưởng. Sau khi lên ngôi, phong ông làm Đô thống thượng tướng quân, tước Hầu.
Năm 1044, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 1, vua Lý Thánh Tông, bên ngoài biên giới quân Chiêm Thành đang ra sức bóc lột, hà hiếp dân ta, Lê Phụng Hiểu được cử làm tướng tiên phong. Trong trận đánh quân Chiêm Thành tại cửa Đại Chiêm, vào sông Ngũ Bồ (sông Thu Bồn), ông chỉ huy quan xông trận chém giết rất nhiều quân Chiêm, thu về nhiều voi trận.
Sau này, do lập nhiều công lao hiển hách, Phụng Hiểu được nhà vua ban thưởng. Ông tâu rằng, không muốn có thêm chức tước, chỉ mong được đứng trên núi Bưng (quê nhà) ném thanh đao, đao rơi xuống chỗ đất nào, thì xin vua ban thưởng làm sản nghiệp. Vua đồng ý.
Về quê, đứng trên ngọn núi Bưng, ông phóng ngọn đao xa đến hơn mười dặm, đao lớn rơi xuống đất Đa Mi (xã Hoằng Kim bây giờ), tính ra khoảng hơn nghìn mẫu ruộng. Từ đó, ruộng có tên “ Thác đao điền”.
Xung quanh thân thế và sự nghiệp của Lê Phụng Hiểu, có rất nhiều giai thoại, bởi ông luôn hòa quện giữa nhân vật dân gian và nhân vật lịch sử có thật. Với những câu chuyện mang sắc màu huyền bí, “ Chuyện ông Bưng (tên thường gọi của Lê Phụng Hiểu) vật ông Vồm”; “ Người tiều phu giết hổ ở núi Hoa Lâm”; “ Sự tích ông Bưng”…
Lê Trung (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.