Về vạch xuất phát
|
Truy tìm “hố tử thần” bằng máy đo địa bức xạ ở TPHCM đã thất bại . |
Như đã thông tin, ngày 14-12 vừa qua, Sở GTVT, Sở Xây dựng và Khoa học Công nghệ TPHCM đã đồng ý với đề xuất tìm hố tử thần bằng phương pháp đo địa bức xạ của TS Vũ Văn Bằng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).
Chiếc máy BXT-09 gồm phần hộp đeo bên hông và một đầu dò liên tục quét 360 độ. TS Bằng cho biết, khi máy dừng và chỉ về hướng nào thì hướng đó có dấu hiệu xuất hiện hố tử thần.
Thực tế, trước đây, máy đo địa bức xạ đã thành công trong việc dò tìm nước ngầm ở Khu kinh tế và Công nghiệp cảng biển Hòn La (Quảng Bình); dò tìm đứt gãy kiến tạo nền và hang ngầm ở lòng hồ thủy điện Nậm Pàn (Sơn La); tìm nước ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) và xác định ranh giới xâm nhập mặn ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Kiểm tra dọc theo tuyến đường Võ Thị Sáu, đường 3-2, máy BXT-09 báo có trên 10 vị trí lún sụt cùng các thông số quan trọng như hình dáng, đường kính, chiều dài, rộng, độ sâu... Trong hai đêm 16 và 17-12, tổ công tác do Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Lê Toàn dẫn đầu quyết định cho đào kiểm tra một số vị trí đã được đánh dấu.
Tại vòng xoay Hòa Bình và giao lộ đường 3-2, Phó Cơ Điều (quận 11), dù các công nhân đào… gãy cả cuốc, xuống quá độ sâu máy đã báo, cơ quan chức năng vẫn không phát hiện được hố tử thần.
Trước tình thế này, Sở GTVT đã quyết định chấm dứt. Theo ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KHCN, từng loại công trình ngầm có bức xạ khác nhau trong khi dưới lòng đường chứa nhiều thứ nên máy khó phân biệt và xác định được hố tử thần.
Bó tay?
Tính đến chiều 19-12, trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện 61 hố tử thần với nhiều kích thước khác nhau, từ vài tấc đến mức nuốt chửng cả chiếc xe container.
Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, hố tử thần xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức gây lún đất; hệ thống công trình ngầm (ống cấp, thoát nước) xây dựng qua nhiều thời kỳ đã xuống cấp, hư hỏng nặng, việc thi công tái lập mặt đường cẩu thả, không đúng quy trình…
Theo thạc sĩ Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng, TPHCM bị ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều, lưu tốc nước ngầm khá lớn, trong khi hầu hết công trình đều không được lót lớp vải địa chất nên cát, đất lấp xuống khi tái lập mặt đường dễ bị cuốn trôi, tạo thành nhiều lỗ hổng dưới nền đường.
Một số chuyên gia địa chất khẳng định, tình trạng lún sụt đường trong thời gian qua liên quan mật thiết với tốc độ đô thị hóa và tình trạng nén cao ốc vào khu vực trung tâm thành phố. Việc xây dựng tầng hầm các tòa nhà, thiết kế tường vây không đảm bảo đã tác động tiêu cực đến tầng nước ngầm.
Đơn cử như Công trình cao ốc Pacific cao 26 tầng bị sự cố bục tường vây khi thi công tầng hầm vào năm 2008. Nước ngầm chảy vào công trình với lưu lượng 24 m3/giờ đã làm sụp nền nhà Sở Ngoại vụ, đe dọa làm lún sụt các công trình xây dựng lân cận và hai tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur trong bán kính 100m.
Tốc độ đô thị hóa, khai thác nước ngầm tràn lan, cải tạo các công trình ngầm hư hỏng, xuống cấp,… đều vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng tại TPHCM. Tình trạng nghiêm trọng đến mức mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TPHCM báo cáo và đề xuất giải pháp khắc phục nạn lún sụt đường.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.