Đào Hữu Ích: Âm thầm chống Pháp, ủng hộ phong trào Cần Vương

Nguyễn Trí Sơn (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Hà Tĩnh) Thứ ba, ngày 12/03/2024 11:31 AM (GMT+7)
Đào Hữu Ích không chỉ hậu thuẫn cho phong trào Cần Vương chống ngoại xâm, mà luôn giữ khí tiết là bậc nho sỹ đạo cao, đức trọng, một lòng phụng sự triều chính, tạo phúc cho muôn dân...
Bình luận 0

"Hơn 30 năm trên con đường công danh, Đào Hữu Ích thể hiện là một tài năng về chính trị, một người đạo cao, đức trọng, hết lòng phụng sự vương triều và chăm lo đến đời sống của nhân dân ở những địa phương ông trị nhậm" - Viện Sử học (*).

Năm 1883, vua Tự Đức qua đời để lại một giang sơn rối bời, ngoại bang xâm lấn. Ðào Hữu Ích, một nhà khoa bảng vốn sinh ra ở vùng đất văn hiến Hữu Bằng (nay là xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), là một trọng thần triều đình trong thời đại thế sự nhiễu nhương đó, nhưng ở ông luôn toát lên tấm lòng yêu nước, thương dân vô bờ. Với tầm ảnh hưởng của mình, Đào Hữu Ích không chỉ hậu thuẫn cho phong trào Cần Vương chống ngoại xâm, mà luôn giữ khí tiết là bậc nho sỹ đạo cao, đức trọng, một lòng phụng sự triều chính, tạo phúc cho muôn dân.

Hậu thuẫn Cần Vương

Năm 1887, Đào Hữu Ích được bổ dụng làm Bố Chánh Nghệ An (quan cấp tỉnh phụ trách về thuế má, tài chính, đinh điền…) đúng lúc khởi nghĩa Phan Đình Phùng bùng nổ. Ông giao cho con trai bí mật cung cấp nguyên vật liệu cho xưởng quân giới của Cao Thắng. Đoán biết ông hậu thuẫn cho nghĩa quân, thực dân Pháp đã ép triều đình điều chuyển Đào Hữu Ích ra khỏi vùng Nghệ Tĩnh, nhằm cách ly với phong trào Cần Vương.

Đào Hữu Ích: Âm thầm chống Pháp, ủng hộ phong trào Cần Vương- Ảnh 1.

Khởi nghĩa Ba Đình.

Trước đó, khi Đào Hữu Ích đương chức Án sát tỉnh Thanh Hóa (quan cấp tỉnh phụ trách về an ninh, pháp luật…) thì phong trào Cần Vương nở rộ trong tỉnh, cộng với đó là khởi nghĩa Ba Đình và Hùng Lĩnh [1]. Theo lưu truyền của dòng tộc họ Đào, đứng trước chiếu kêu gọi Cần vương, Đào Hữu Ích đã hậu thuẫn cho khởi nghĩa tại tỉnh Thanh Hóa. Các lãnh đạo của phong trào tại đây đều là các bằng hữu nho sỹ cùng thời với ông, như: Cử nhân Phạm Bành, Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết, Tiến sĩ Tống Duy Tân, Chánh tổng Đinh Công Tráng... Quả vậy, lật tìm trang sử các bản tấu trình, triều Nguyễn coi những người theo phong trào Cần Vương là "Đảng phỉ" (phản loạn theo một đường lối tôn chỉ rõ ràng). Cũng trong bản tấu này [2], triều đình khiển trách Đào Hữu Ích bởi đã buông lỏng việc kiềm chế phong trào Cần Vương. Đây là điều mà Đào Hữu Ích hoàn toàn đoán biết được, nhưng vì để hậu thuẫn cho phong trào yêu nước nên ông đã bất chấp rủi ro chính trị, sinh mệnh của bản thân.

Trong thời gian Đào Hữu Ích làm Tuần phủ Trị - Bình (quan đứng đầu hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình), thực dân Pháp bắt nhân dân hai tỉnh Quảng Trị - Quảng Bình góp tre, gỗ để xây dựng cảng Gio Hải - huyện Gio Linh (nay là cảng Cửa Việt). Đào Hữu Ích dân vận nhân dân không góp hoặc góp không đủ với lý do tre còn non, gây khó khăn cho thực dân Pháp trong việc xây dựng bến cảng. Nhờ đó, nhân dân hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình tránh được sự nghèo đói do áp bức, bóc lột. Thực dân Pháp bị giảm sức mạnh khi không thể dùng cảng này để chuyên chở các tài sản, khoáng sản ra nước ngoài.

Đại trí cứu muôn dân, từ quan giữ danh tiết

Khi khởi nghĩa Phan Đình Phùng thất bại, bản danh sách những người trực tiếp và gián tiếp tham gia khởi nghĩa ở quê nhà vùng Nghệ Tĩnh bị bại lộ. Trên cương vị một đại quan có tầm ảnh hưởng, Đào Hữu Ích đã tìm cách để những thuộc hạ dưới quyền đốt bản danh sách này, xếp tướng soái của nghĩa quân vào diện đã chết hoặc mất tích. Tinh thần dân tộc và đại trí của Đào Hữu Ích một lần nữa được minh chứng qua việc ông đưa ra lý do để thuyết phục thượng cấp không tiếp tục truy xét những người tham gia Cần Vương: "Vì những người cầm đấu đã chết hết cả rồi, phong trào đã tan rã, đừng nên bắt bớ đàn áp nữa mà tạo nên sự thù hận trong nhân dân". Những mưu lược đó đã cứu sống hàng ngàn người dân yêu nước quê nhà tránh khỏi sự thảm sát đẫm máu, tù đày, nồi da nấu thịt.

Đào Hữu Ích: Âm thầm chống Pháp, ủng hộ phong trào Cần Vương- Ảnh 2.

Nhà thờ Đào Hữu Ích đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Triều đình có ý bổ dụng Đào Hữu Ích làm Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa, nhưng ông đã từ chối, rồi cáo ốm từ quan xin nghỉ [3]. Có người hỏi Đào Hữu Ích vì sao chối bỏ chức Tổng đốc, trong lúc biết bao kẻ đang muốn chen chân vào chốn quan trường để được hãnh tiến, ông đáp: "Triều đình lúc này chẳng có quyền hành gì nữa, làm quan chỉ là hư ứng, làm quan chỉ là tay sai cho Tây mà thôi".

Thực ra, trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, quân xâm lược chính thức đặt ách đô hộ lên toàn cõi nước nhà, hi vọng về phong trào Cần Vương đã tắt. Đào Hữu Ích đã xác định cho mình con đường của một nhà Nho đạo cao, đức trọng, một sự phản kháng từ chối hợp tác với kẻ thù. Ứng xử của Đào Hữu Ích cũng giống như thái độ của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ - Nguyễn Khuyến dặn dò con cái:

Mai sau con nhớ đề bia

Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu.

Thương dân hết mực, ứng xử nhân văn

Nói về lòng thương dân của Đào Hữu Ích, có lẽ rõ nét nhất là thời điểm ông đương chức Tuần phủ Trị - Bình. Với tầm ảnh hưởng của mình, nhiều lần Đào Hữu Ích tấu trình xin và được miễn giảm thuế cho nhân dân vùng Quảng Trị, Quảng Bình bởi mùa màng thất bát do thiên thai, hạn hán, nhân dân vất vả đi phu. Đơn cử, tháng 7/1896, triều đình đã giảm 2 phần 10 thuế ruộng vụ Hạ, ước tính hơn 7.024 hộc cho tỉnh Quảng Trị [4].

Hay câu chuyện cảm động và thấm đẫm nhân văn về việc viên quan Hồ Ngọc Hào làm thất thoát công quỹ. Khi viên quan qua đời, theo luật thời ấy, vợ con phải trả hết nợ. Nhưng thương cảm hoàn cảnh vợ con viên quan nghèo túng, Đào Hữu Ích đã có tấu lên triều đình để xin xóa nợ [5].

Lại có vùng dịch bệnh lây lan tại Quảng Trị, Đào Hữu Ích đặt việc khẩn cấp phải cứu dân lên trên hết. "Tiền trảm hậu tấu", Đào Hữu Ích tự ý lấy tiền trong kho mua dược liệu để bào chế thuốc chữa dịch bệnh. Nhờ đó, dịch bệnh mau chóng được đẩy lùi, cuộc sống của dân đã trở lại bình thường. Biết chuyện, Vua Thành Thái, một vị vua yêu nước thương dân thấu hiểu, cảm thông nên không cách chức ông [6].

Không ít lần Đào Hữu Ích bênh vực người dân, tấu trình trừng trị quan tham thu sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành [7]. Kể cả khi ông cáo lão về quê, với uy tín của mình, ông nhiều lần giúp đỡ người dân Hương Sơn tránh được tai ương, áp bức; cũng như đứng ra tổ chức xây dựng các công trình an sinh, văn hóa ở xã nhà mà còn lưu truyền đến thế hệ ngày nay.

Sau 140 năm, Di tích Nhà thờ Thượng thư Đào Hữu Ích vẫn còn gần như nguyên vẹn.

"Có thể nhận thấy Đào Hữu Ích là một vị quan thanh liêm, mẫn cán, một nhà chính trị, giáo dục tài năng, có những cống hiến to lớn đối với dân tộc trên nhiều lĩnh vực. Ở ông luôn thể hiện một tấm lòng trung hậu, khiêm nhường và giàu tình nhân ái. Nhân cách và phẩm hạnh cũng như những cống hiến của Đào Hữu Ích với dân, với nước xứng đáng được hậu thế tôn vinh" – Viện Sử học (*)

Trước một nhân cách lớn và giàu lòng nhân ái, cũng như những cống hiến to lớn đối với dân tộc trên nhiều lĩnh vực, ngày 23/12/2015, phần mộ và Nhà thờ Đào Hữu Ích đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Vừa qua, những phát hiện mới về Thượng thư Đào Hữu Ích qua các bản tấu trình trong kho tài liệu Hán Nôm triều Nguyễn như trích dẫn ở trên, đã tô điểm và giúp hậu thế hiểu thêm tấm lòng vì nước vì dân của ông. Ở đó, ta bắt gặp khí chất của một Nho sỹ đại trí, đại đức, thấm đẫm nhân văn của một nhân kiệt vùng địa linh Lam Hồng./.

Tài liệu thảm khảo

[*]: Văn bản số 75/VSH của Viện Sử Học Việt về việc "Đánh giá nhân vật lịch sử Đào Hữu Ích" ngày 20/6/2015.

[1]: Phong trào Cần Vương (1885-1896) do đại thần Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi khởi xướng với tôn chỉ cứu vua, giúp nước, đánh đuổi ngoại xâm. Tại Thanh Hóa thời gian này, phong trào nổ ra với 2 cuộc khởi nghĩa lớn:

+ Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) ở huyện Nga Sơn do Chánh tổng Đinh Công Tráng, Cử nhân Phạm Bành, Cử nhân Nguyễn Bật Đạt, Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết lãnh đạo.

+Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886-1892) ở huyện Bá Thước và huyện Quảng Xương do Tiến sĩ Tống Duy Tân lãnh đạo…

[2]: Bản tấu trong Châu bản triều Nguyễn (văn bản hành chính của triều Nguyễn) ngày 9 tháng 6 năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) của Cơ mật Viện (cơ quan quyết định việc cơ mật, thân cận của Vua) về việc truy bắt đảng phỉ.

[3]: Theo quy chế Triều Nguyễn, quan văn có 9 phẩm hàm từ cửu phẩm (thấp nhất) đến nhất phẩm (cao nhất) mỗi hàm có 2 cấp, trong đó cấp chánh ở trên, cấp tòng ở dưới. Tổng đốc và thượng thư là hàm Chánh nhị phẩm, một đại quan triều đình.

[4]: Các Bản tấu trong Châu bản triều Nguyễn của Bộ Hộ về việc xin miễn giảm thuế: 13 tháng 5 năm Thành Thái thứ 4 – 1892, bản tấu ngày 13 tháng 6 năm Thành Thái thứ 4 -1892, bản tấu 29 tháng 3 năm Thành Thái thứ 6 - 1894, bản tấu ngày 12 tháng 5 năm Thành Thái thứ 6 - 1894 …. Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên - Cao Tự Thanh dịch - NXB Văn hóa Văn Nghệ - In lần thứ hai có sửa chữa bổ sung năm 2012 - Trang 270 - Mục 0677

[5]: Bản tấu trong Châu bản triều Nguyễn của bộ Hình: ngày 22 tháng 8 năm Thành Thái thứ 6 - 1894 về việc viên quan Hồ Ngọc Hào đền bù thất thoát công quỹ; bản tấu ngày 29 tháng 10 năm Thành Thái thứ 8 – 1896 về việc viên quan Đặng Bá Hựu đền bù tài sản do để thiếu hụt hàng trong kho.

[6]: Bản tấu trong Châu bản triều Nguyễn ngày 17 tháng 5 năm Thánh Thái thứ 4 - 1892 của bộ Hộ về việc chế thuốc đẩy lùi dịch bệnh

[7]: Bản tấu trong Châu bản triều Nguyễn ngày 27 tháng 6 năm Thành Thái thứ 4 - 1892 của bộ Hộ về việc bọn Nguyễn Khả phạm tội thu thuế người dân cao

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem