Tuy nhiên, thực hư về giống đào này thì phải người bán hoặc người chơi đào, người trồng đào lâu năm mới có thể biết được.
Chị Vương Nữ Ngọc Ánh (Trần Duy Hưng, Hà Nội) cũng tranh thủ dịp Tết để nhập một số hàng từ Trung Quốc về bán kiếm thêm thu nhập. Chị Ánh cho biết: “Tôi và vài người bạn góp vốn để đánh hàng từ Trung Quốc về bán. Ngoài bát đĩa, phụ kiện xì gà thì tôi còn nhập cả đào thất thốn về bán.”
“Giống đào này không phải năm nay mới có, nhưng không hiểu sao năm nay, mọi người lại rất chuộng. Tuy nhiên, nó không phải đào thất thốn như mọi người vẫn nói. Vốn dĩ nó chỉ là gốc đào thường và được ghép cành thất thốn, không phải là đào thất thốn 100%”, chị Ánh nói.
Cũng theo chị Ánh: “Nhiều người bán quảng cáo là đào thất thốn của Việt Nam. Nhưng kỳ thực, nó được nhập về từ Trung Quốc 100%. Tuy nhiên, nó cũng khá bắt mắt và độc đáo nên rất nhiều khách hỏi mua.”
“Nhưng cùng 1 loại đào, lại có 3 loại. Loại 2 và 3 là loại chất lượng kém hơn, giá bán thấp hơn nhiều so với hàng loại 1. Hiện nay, hàng loại 1 giá bán đang dao động từ 1,6 cho đến hơn 2 triệu đồng, người quen thì chỉ 1,4 triệu đồng”, chị Ánh cho biết thêm.
Giá cao là thế, nhưng nếu không mua sớm, hàng sẽ tăng giá rất nhanh bởi theo chị Ánh: “Rất nhiều người hỏi mua, tôi chỉ bày ra buổi sáng thôi mà đã có người vào mua gần 30 cây liền lúc. Và với hàng này thì sau ngày 15 âm lịch không ai ôm hàng sẵn nữa, nếu còn hàng sẵn thì giá cũng sẽ bị đội lên từng ngày một.”
“Nếu thực sự có nhu cầu thì khách sẽ đặt đơn và chờ 2 – 3 để bên tôi gom hàng từ Trung Quốc chở về. Tuy nhiên, giá cũng sẽ biến động theo tỷ giá tiền của 2 nước. Trước rằm vừa rồi, đào thất thốn Trung Quốc loại 1 nhập về chỉ khoảng 700.000 đồng/cây. Nhưng sau ngày 15, giá nhập tại vườn bên Trung Quốc đã lên tới 1,25 triệu đồng/cây”, chị Ánh cho biết thêm.
Năm nay, loại đào thất thốn Trung Quốc này bỗng dưng trở thành hàng hot, nhiều nơi hét giá tới hơn 2 triệu đồng. Nhưng kỳ thực, hàng cũng đang hết dần, chị Ánh dù rất muốn nhập thêm về bán, nhưng chi phí cho một chuyến trở hàng về không hề nhỏ.
Vận chuyển ít thì lỗ, vận chuyển nhiều thì sợ tắc biên hoặc hàng bị giữ. Nếu đi đường rừng rú thì chi phí lại bị đội lên rất nhiều. Vì chuyến hàng gần 200 cây vừa rồi, tương đương với 6 thùng đào của chị mất chi phí tới gần 20 triệu đồng do đi đường rừng.
Anh Nguyễn Mạnh Cường (Nam Định) chia sẻ: “Tôi cũng đã bán loại đào này 4 năm nay, cứ đến 29 Tết là hoa nở rộ. Nhưng hoa của đào này to gấp đôi đào ta. Để lâu còn có thể ra quả.”
“Về cây thì mình còn học Trung Quốc dài, bên đó họ trồng rất hay. Nhưng chỉ chơi được 1 cái Tết, xong thì vứt. Nếu nhiều nụ thì còn được khoảng 3 tháng”, anh Cường cho biết thêm.
Chị Đặng Quỳnh Anh đang làm ngân hàng tại Long Biên cho biết: “Tôi đi làm về thấy có chậu đào nhỏ xinh nên cũng hỏi để mua về trang trí cho có không khí Tết. Tuy thích, nhưng giá đào cao quá nên cũng có đôi chút phân vân.”
“Có lẽ tôi sẽ đợi đến sát Tết hơn xem giá có hạ như mọi năm không. Hiện giá cả hàng hoá lúc này vẫn ở mức khá cao. Các chủ hàng chưa có tâm lý bán vội để về quê nên chưa chịu hạ giá”, chị Quỳnh Anh phân tích thêm.
Clip: Nghệ nhân Lê Hàm tiết lộ lý do cho đào thất thốn vào phòng điều hòa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.