Dập dìu điệu múa tắc - tắc - xình/tắc - tắc - xình

San Nguyễn Thứ bảy, ngày 23/04/2016 09:03 AM (GMT+7)
Múa Tắc Xình là một nét văn hóa độc đáo của người Sán Chay ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) trong lễ hội cầu mùa.
Bình luận 0

Múa Tắc Xình là một nét văn hóa độc đáo của người Sán Chay ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) trong lễ hội cầu mùa. Đây là điệu múa tập thể, từ những động tác gần gũi trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như xúc tép, bắt cá, tra hạt, đuổi thú, phát nương..., người Sán Chay đã sáng tạo, cách điệu thành vũ điệu để phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Cho đến nay, múa Tắc Xình vẫn mang một ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của bà con dân tộc Sán Chay và được nhiều người biết đến. Theo ông Hầu Văn Tính, ở thôn Đồng Tâm, xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), điệu múa Tắc Xình có tiết tấu âm nhạc đơn giản, nguyên sơ không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại, các động tác múa dễ hiểu, dễ học. Nhạc cụ đệm cho điệu múa chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa như trống đất, trống nứa.

imgĐiệu nhảy Tắc Xình đơn giản, âm thanh vui nhộn, là không gian để cho mọi người vui vẻ sau những ngày lao động mệt nhọc. ảnh: S.N

Múa Tắc Xình có 8 âm liên tiếp nhưng chỉ có 2 âm “tắc” và âm “xình” hợp lại. “Tắc” là âm phát ra bởi tiếng gõ trên thân ống tre. Còn âm “xình” là âm phát ra từ ống tre gõ xuống đất. Các âm “tắc”, “xình” phát ra theo một trật tự nhất định để kết thành một giai điệu rất riêng không thể lẫn với dân tộc khác- tắc - tắc - xình/tắc - tắc - xình/tắc - xình.

Điệu múa Tắc Xình thường được thực hiện trong lễ hội cầu mùa để cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, ngô lúa được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Cả người diễn, người xem và nhạc công đều cùng tham gia trong vòng tròn nhảy múa, không hạn chế số lượng. Người múa, đồng thời cũng có thể là một nhạc công. Điệu nhảy đơn giản, âm thanh vui nhộn, là không gian để cho mọi người vui vẻ sau những ngày lao động mệt nhọc.

Múa Tắc Xình được hình thành và phát triển cùng với tiến trình hình thành và phát triển cộng đồng người Sán Chay ở Việt Nam nói chung và huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Năm 2014, múa Tắc Xình của người Sán Chay ở huyện Phú Lương đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, càng thêm khẳng định giá trị điệu múa độc đáo này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem