Ngọc Phạm
Thứ sáu, ngày 25/10/2024 09:00 AM (GMT+7)
Xứ Mường chỉ cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 60km. Nơi non xanh nước biếc, con người thân thiện, ẩm thực lại đa dạng luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hòa Bình giờ còn trở thành miền quê đáng sống, được nhiều người tìm đến sinh sống, tạo lập khu nghỉ dưỡng…
Từ lâu ngành du lịch của tỉnh Hòa Bình đã biết tận dụng và khai thác về vẻ đẹp của miền quê yên bình và trong lành. Trong những năm gần đây, các xã vùng cao của tỉnh còn được nhiều người chọn làm nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Mỗi một miền quê đều có sự hấp dẫn riêng.
Khu nghỉ dưỡng mọc lên khắp nơi
Xứ Mường - cái nôi của người Việt cổ và là nơi sản sinh trường ca sử thi "Tá cần tá cài" - Đẻ đất đẻ nước. Nền văn hóa bản địa của người Mường có sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ. Bao đời người Mường sống bên những thung lũng xinh đẹp. Với sự chịu thương, chịu khó và giàu tính sáng tạo trong lao động, nên người Mường đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng mà ít nơi có được. Trong những năm gần đây, văn hóa cũng là lợi thế để bà con nơi đây khai thác làm du lịch. Lợi thế này còn thu hút rất nhiều doanh nghiệp lẫn các cá nhân tham gia đầu tư, phát triển.
Từ khi thủy điện Hòa Bình đóng cống và hoàn thành việc xây dựng đã tạo ra lợi thế về sông nước cho bà con người Mường. Các xã ven lòng hồ như Thung Nai (huyện Cao Phong), Bình Thanh (TP.Hòa Bình), Tiền Phong, Đoàn Kết, Vầy Nưa (huyện Đà Bắc) trở thành điểm đến hấp dẫn cho thu khách. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã nhìn ra cơ hội và đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch. Đến các xã ven lòng hồ thủy điện Hòa Bình, một điều dễ nhận thấy là bà con người Mường nơi đây đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) có hàng chục homestay được mở. Tận dụng diện tích ở ven hồ, bà con đã xây dựng những ngôi nhà sàn xinh xắn, mở cửa đón khách đến thăm thú, trải nghiệm và đặc biệt là được chìm đắm trong nền văn hóa Mường. Du khách đến đây đều được phục vụ chu đáo và có những giây phút yên bình, đầy thú vị ở miền đất của người Mường. Các chủ homestay cũng đã dày công xây dựng những loại hình hoạt động phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để cho du khách trải nghiệm. Từ tour leo núi, đi thuyền trên lòng hồ, hay đi bộ qua các bản làng hoặc cho du khách tìm hiểu cách đan lát, nấu ăn của người Mường. Ai đến nơi này cũng cảm nhận được năng lượng tích cực từ cuộc sống mộc mạc và chân thành của người Mường.
Những lũng cao nguyên căng tràn sức sống
Bà con người Mường biết khai thác lợi thế về văn hóa bản địa để thu hút du khách đã biến xóm Đá Bia thành điểm đến hấp dẫn. Nơi này cũng được du khách đặt cho biệt danh "vùng quê đáng sống" ở Đà Bắc.
Tạm biệt xóm ven hồ xinh xắn và mến khách, du khách tiếp tục hành trình khám phá xứ Mường đầy thơ mộng. Men theo Quốc lộ 6, du khách sẽ chạm đất Tân Lạc - Mường Bi - mường cổ nhất trong 4 mường (Bi, Vang, Thàng, Động). Đây là nơi sinh sống của bà con người Mường cổ. Sau bao đời họ đã dày công tạo dựng làng xóm tươi đẹp. Nét sinh hoạt của người Mường gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, nên bất cứ một xóm Mường nào cũng có nét hấp dẫn, thu hút du khách. Lũy Ải (xã Phong Phú) là xóm cổ của người Mường. Nơi này có mấy chục nóc nhà sàn, lợp ngói thâm nâu. Từ nhiều năm nay, xóm nhỏ của bà con người Mường được nhiều người lựa chọn ghé thăm. Sự thân thiện của người dân đã tạo nên bản sắc riêng mà ít nơi có được.
Từ năm 2008, xóm Lũy Ải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước. Nơi đây, đồng bào dân tộc Mường hồn hậu, mến khách, luôn chào đón du khách đến thăm quê hương mình để giới thiệu về những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh đẹp đất Mường cổ này. Gần khu vực xóm Lũy Ải, du khách có thể ghé thăm một số danh lam thắng cảnh, hang động đẹp như thác Trăng, hang Bụt, động Hoa Tiên, vịnh Ngòi Hoa...
Có một vùng đất tràn đầy nhựa sống và luôn được du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đến xứ Mường nữa là thung lũng Mai Châu. Đây là thung lũng nhỏ của người Thái chạy dài từ ngã ba Mãn Đức đến rìa sông Mã của xứ Thanh. Nơi đây non xanh thủy tú lại có đông đảo đồng bào người Thái sinh sống. Người Thái còn lưu giữ được những nét văn hóa vô cùng đặc trưng, từ múa xòe, nền ẩm thực phong phú… làm say đắm lòng người. Trong số những vùng đất đáng sống của đất Mường, thung lũng Mai Châu luôn là lựa chọn hàng đầu. Nơi này đã có hàng trăm homestay và cả chục khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 4 - 5 sao.
Ông Hà Văn Sêm - người dân tộc Thái ở xóm Nà Chiềng, xã Nà Phòn, cũng đã nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch và người phương xa yêu thích xứ Mường, ông đã biến diện tích gần 1ha đất của gia đình thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ông Sêm chia sẻ: "Nhiều khách du lịch đã lựa chọn nơi này thành điểm đến hàng năm. Cứ vào dịp hè là du khách đến rất đông. Đến đây, họ được nhảy sạp, xem múa xòe, tắm suối mát, ngắm bản làng xinh xắn và nền ẩm thực đậm đà của người Thái".
Thật khó có thể miêu tả hết được cảnh sắc thiên nhiên của đất Mường. Mỗi nơi đi qua đều để lại cho du khách ấn tượng tốt đẹp. Tạm biệt thung lũng Mai Châu xinh xắn, du khách ngược quốc lộ 6 lên xứ sở của người Mông ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò. Hai xã này được coi là "nóc nhà của xứ Mường", có khí hậu mát mẻ, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là "thủ phủ" của người dân tộc Mông, nơi bốn mùa hoa rừng đua nở. Thiên nhiên đã ban tặng cho người Mông cả một vùng cao nguyên rộng lớn. Du khách gọi đây là "miền cổ tích", mùa nào cũng đẹp, cũng lôi cuốn du khách. Bà con người Mông nơi đây vẫn giữ được nét sinh hoạt đậm chất văn hóa bản địa. Họ cũng đã biết mở cửa để đón khách du lịch. Ở xã có hàng chục homestay đẹp như tranh vẽ đã được xây dựng, như homestay Y Múa, homestay A Páo...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.