Dấu ấn của Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh trước khi nghỉ hưu

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 02/05/2019 13:58 PM (GMT+7)
Theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chính thức nghỉ hưu từ 1.5.2019, sau 4 năm giữ cương vị người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh.
Bình luận 0

Trước đó, ngày 8.4.2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 1170 về việc nghỉ hưu của cán bộ đối với ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. 

Tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ninh, vào chiều nay (2.5), Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính sẽ có mặt tại TP.Hạ Long để trao quyết định nghỉ hưu cho Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Đức Long sinh ngày 10.4.1959, quê quán: Xã Hồng Phong, huyện Đông Triều (nay là TX.Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh; trình độ chuyên môn: Kỹ sư điện Khí hóa Xí nghiệp, Cử nhân Kinh tế; Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân.

img

Ông Nguyễn Đức Long trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Chiến.

Sau nhiều năm trải qua các cương vị lãnh đạo ở Xí nghiệp Đóng tàu Hạ Long, Sở Công nghiệp – Thủ công nghiệp (nay là Sở Công Thương Quảng Ninh), Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, Bí thư Thành ủy Hạ Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh..., đến tháng 4.2015, ông Nguyễn Đức Long chính thức được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và được tái cử sau kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021.

4 năm giữ cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long cùng bộ máy của mình đã đưa Quảng Ninh phát triển vượt bậc, trở thành hiện tượng được nhắc đến nhiều nhất trên bàn nghị sự, cũng như trên các phương tiện truyền thông, đại chúng.

img

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với số vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng được khánh thành từ 30.12.2018.

Sự kiện thông xe cầu Bạch Đằng và khánh thành tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng trong ngày đầu tiên của tháng 9.2018 vừa qua đã ghi một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Dấu mốc quan trọng này khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng, trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Ngoài cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT trị giá hàng nghìn tỷ đồng khác. Đó là cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái (nối tiếp cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng hành khách quốc tế Hòn Gai…

Đáng lưu ý, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư theo hình thức BOT đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn Sun Group - nhà đầu tư chiến lược của Quảng Ninh, thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng.

img

Thủ tướng đi trên chuyến bay TP.HCM - Quảng Ninh đáp xuống sân bay Quốc tế Vân Đồn vào buổi sáng khai trương 30.12.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài ngân sách. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ninh đã phát triển đột phá, mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.

Về xây dựng thể chế và cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh triển khai quyết liệt theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân; nâng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), tỉnh Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí, từng bước nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, đã có hơn 600 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng CQĐT và với hiệu quả bước đầu, mô hình CQĐT ở Quảng Ninh được coi là nền tảng để đánh giá xây dựng mô hình CQĐT quốc gia.

img

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhận giải thưởng ASOCIO dành cho Chính quyền số xuất sắc tại Nhật Bản, tháng 11.2018.

Trong những năm gần đây, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) tiếp tục được quan tâm, triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh. Trong 2 năm liên tiếp 2017 - 2018, Quảng Ninh giành vị trí quán quân PCI, với các chỉ số mà nhiều tỉnh thành mơ ước.

Dù là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tuy nhiên ở lĩnh vực nông nghiệp, Quảng Ninh cũng ghi dấu son trong phát triển thương hiệu nông sản. Hàng trăm nông dân Quảng Ninh trở thành tỷ phú, nhờ lấy “cảm hứng” từ Chương trình OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm). Sau 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn.

img

Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhận ngôi quán quân PCI 2018.

Được biết trong chiều nay, với những thành tích đạt được, ông Nguyễn Đức Long sẽ nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba do Nhà nước trao tặng.

Sau buổi trao quyết định nghỉ hưu cho Chủ tịch UBND tỉnh vào chiều nay, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng sẽ họp để giao cho người phụ trách chung thay ông Nguyễn Đức Long.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem