Dấu ấn Trung Quốc trong loạt tên lửa đạn đạo Iran nã vào căn cứ quân sự Mỹ

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Thứ năm, ngày 09/01/2020 11:55 AM (GMT+7)
Các tên lửa đạn đạo Iran sử dụng để tấn công căn cứ quân sự Mỹ đều là tên lửa sản xuất nội địa, nhưng nguồn gốc sâu xa của những tên lửa này lại dính đến cái tên Trung Quốc.
Bình luận 0

img

Tên lửa đạn đạo Fateh-313 do Iran sản xuất.

Theo các nguồn tin quân sự, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã sử dụng tên lửa đạn đạo Fateh-313 và tên lửa Qiam-1 trong đợt tấn công căn cứ quân sự Mỹ.

Fateh-313 là mẫu tên lửa Iran tự phát triển dựa trên phiên bản Fateh-110. Mẫu tên lửa này lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Sau chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980, Iran cảm thấy cần phải hiện đại hóa lực lượng tên lửa trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận. Iran tìm đến các tên lửa đạn đạo do Trung Quốc sản xuất như B610, phiên bản cải tiến của tên lửa HQ-2.

Trong giai đoạn những năm 1990, Iran phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc phát triển tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn.

Năm 1988, Trung Quốc cung cấp cho Iran các thành phần tên lửa và hướng dẫn cách chế tạo cũng như thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. 2 năm sau, hai nước ký thỏa thuận 10 năm trong hợp tác khoa học và chuyển giao công nghệ tên lửa.

Năm 1996, báo cáo của CIA nêu rõ Trung Quốc cấp cho Iran công nghệ tên lửa và các thành phần cấu tạo, bao gồm con quay hồi chuyển và gia tốc kế, cũng như các thiết bị chế tạo radar.

img

Tên lửa đạn đạo Qiam-1 của Iran.

Kết quả là tên lửa đạn đạo Fateh-110 ra đời năm 1997 với những dấu ấn rõ rệt từ công nghệ cho đến nguyên vật liệu Trung Quốc. Phiên bản Fateh-110 thế hệ đầu tiên sử dụng đầu đạn nổ nặng 650kg và tầm bắn 200km.

Phiên bản Fateh-313 mới nhất Iran sử dụng để tấn công căn cứ Mỹ được cải tiến về tầm bắn, lên tới 500km và được dẫn đường chủ động.

Trong khi đó, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Qiam-1 được Iran sản xuất nội địa 100%, được phát triển trên nền tảng tên lửa Shahab-2 của Iran. Đây là bản sao của tên lửa Triều Tiên Hwasong-6. Tất cả các tên lửa này đều có tính năng tương tự như tên lửa đạn đạo Scud từ thời Liên Xô.

Qiam-1 có thể được khai hỏa từ xe phóng giúp tăng tính cơ động. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.

Trong đợt phóng tên lửa đầu tiên tấn công căn cứ Mỹ rạng sáng ngày 8.1, Iran đã khai hỏa tổng cộng 15 tên lửa, theo giới chức Mỹ. 10 quả tên lửa đánh trúng căn cứ al-Asad và một quả rơi xuống sân bay Erbil ở phía bắc Iraq. 4 quả tên lửa khác gặp trục trặc trong hành trình bay.

Có thể nói, Trung Quốc đã đặt nền móng cho sự phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran. Trong vài năm trở lại đây, Iran bắt đầu tự mình sản xuất nguyên liệu và cải tiến tên lửa, mở rộng kho tên lửa đạn đạo của nước này.

Đại tướng 4 sao Mỹ: Không có chuyện Iran cố tình phóng tên lửa trượt mục tiêu

Tướng quân sự cấp cao Mỹ khẳng định rằng Iran phóng tên lửa với ý định gây thương vong cho binh sĩ Mỹ ở Iraq, chứ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem