Đau đầu chuyện di tích cổ, đồ thờ mới

Thứ ba, ngày 10/12/2013 06:55 AM (GMT+7)
Cổ vật bị thất lạc, tùy tiện đưa hiện vật mới vào nơi thờ tự… là những vấn đề nóng trong hội nghị về quản lý và thực hiện nếp sống văn minh di tích vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Bình luận 0
Nếu việc xuất hiện “hòn đá lạ” tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ) hồi đầu năm 2013 khiến không chỉ dư luận xôn xao thì nay hiện tượng đưa dị vật mới vào di tích đang diễn ra phổ biến. Rất nhiều di tích ở ngay giữa Hà Nội, bước vào đã thấy Tam bảo rực rỡ đèn chùm- thứ mà người ta vẫn trang trí cho những ngôi biệt thự.

Rồi cặp độc bình, sư tử đá, tượng Di đà đứng, tượng Phật bà Quan Âm trắng... cũng tràn vào di tích như những cơn lốc khiến những người có kiến thức và am hiểu về di sản phải giật mình. Theo đại diện Sở VHTTDL Bắc Giang, việc đưa hiện vật mới vào các di tích trên địa bàn đang thực sự gây nhức nhối.

Giữa không gian đình chùa cổ kính thâm trầm, bỗng một ngày đẹp trời xuất hiện một tượng Phật bà vận bạch y trắng toát hay đôi sư tử đá dữ tợn… Được cho là của phật tử công đức, cúng tiến, chỉ thống kê sơ bộ của của Bắc Giang thì có đến 30% các di vật trong đình, đền, chùa đã được thay mới.

Gác Khánh chùa Trăm Gian (Hà Nội) bị làm mới.
Gác Khánh chùa Trăm Gian (Hà Nội) bị làm mới.

Lý giải về làn sóng đưa dị vật vào di tích ngày càng lan rộng, GS Trần Lâm Biền cho rằng đó là do có sự nhầm lẫn trong việc xác định chủ nhân thực sự của di sản. “Chúng ta vẫn bị ám ảnh rằng di sản văn hóa là những kiến trúc gắn với tôn giáo tín ngưỡng và thuận theo cách ứng xử theo kiểu tín ngưỡng nhiều hơn là di sản văn hóa. Điều này dẫn tới việc chùa xưa là của làng, nay thành của sư”- GS?Trần?Lâm Biền phân tích.

Cũng do lầm lẫn quyền chủ nhân của di tích nên nhiều tượng cổ bị thất lạc mà không có người đứng ra chịu trách nhiệm như trường hợp chùa Dâu (Bắc Ninh)- GS Biền nêu dẫn chứng. Vì thế theo GS Biền, ngay từ lúc lập hồ sơ di tích cần phải xác định cái gì quý giá và giao cụ thể cho người nào chịu trách nhiệm để phòng ngừa trong những trường hợp tài sản đó bị hư hỏng hay mất mát thì chính người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng để quản lý, giữ gìn tốt di sản thì điều đầu tiên không phải là thành lập ban quản lý nọ, tổ bảo vệ kia mà cần quan tâm tìm hiểu xem những người trực tiếp quản lý di tích đã hiểu về nó như thế nào.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc phân cấp trong quản lý di sản, việc xác định rõ tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ di tích là việc cấp thiết phải làm. Nhưng do quản lý di tích là loại hình đặc thù nên không thể giao di tích theo kiểu “khoán trắng”. Các đơn vị quản lý cấp trên vẫn phải có trách nhiệm thường xuyên tư vấn, giám sát để chấn chỉnh ngay các hành vi sai phạm gây ảnh hưởng tới di tích.

Đơn cử như hiện tượng đòi trả danh hiệu di tích ở làng cổ Đường Lâm hoặc vụ xâm hại chùa Trăm Gian ở Hà Nội trước đo cho thấy, không thể phó mặc cho ban quản lý hoặc huyện, tỉnh… tự xoay xở mà cần sự vào cuộc, chia sẻ trách nhiệm tháo gỡ của cả hệ thống.

Hà Thu (Hà Thu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem