Đau đớn vơi đi khi bác sĩ tận tình

Thứ tư, ngày 27/02/2013 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sự khó nhọc, đau đớn của bệnh nhân sẽ vơi đi khi gặp bác sĩ tận tình. Nhân ngày 27.2, NTNN ghi nhận những kỳ vọng của bệnh nhân gửi tới các “từ mẫu” trong cả nước...
Bình luận 0

Những “mẹ hiền” thực sự

Gặp phóng viên sáng 26.2, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của ông Hoàng Văn Hà (xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội) dãn ra khi kể về ca cấp cứu hồi tháng 8.2012 của mình. Là nông dân buôn bán rau, ông thường chở rau từ xã ra bán tại phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. “Hôm đó tôi chở quá nặng, không may va phải một xe máy, bị chân chống xe đâm thẳng vào mu bàn chân phải, đứt gân, chảy máu xối xả.

Người dân quanh đó đưa tôi vào cấp cứu ở Bệnh viện 354 gần đó. Các bác sĩ nhanh chóng khâu vết đứt, cầm máu cho tôi. Vừa làm, anh bác sĩ trẻ nhất còn vừa trêu tôi để tôi quên cơn đau và hoảng loạn” - ông Hà nhớ lại. Mỗi lần nhắc tới câu chuyện này, ông đều nói: “Tôi lúc nào cũng nghe mọi người nói bác sĩ này nọ, nhưng ở đâu cũng có người tốt, người xấu, tôi mong rằng bệnh viện nào cũng có nhiều bác sĩ tốt như ở Bệnh viện 354”.

img
Sự chia sẻ, tận tình của y bác sỹ sẽ khiến bệnh nhân vơi đi rất nhiều nỗi đau (ảnh minh họa).

Cũng gặp bác sĩ tốt là trường hợp cháu Nguyễn Đức An (5 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội). Cháu An điều trị bệnh viêm gan tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi T.Ư. Anh Nguyễn Đức Tuấn - bố cháu An cho biết: “Nữ bác sĩ đó tên là Vân Anh. Tôi nghe người ta nói vào viện phải “lót tay” bác sĩ, nên khi cháu xuất viện, tôi cũng đưa phong bì, nhưng bác sĩ Vân Anh nhất định không nhận. Chị làm thay đổi hẳn quan niệm của tôi về bác sĩ”.

Bác Trần Thanh Hùng ở quận 1, TP.HCM thì cho rằng mấy năm gần đây các dịch vụ khám chữa bệnh ở TP.HCM đã phát triển tốt hơn nhiều. Trong đó, điểm đặc biệt là thái độ phục vụ của đội ngũ các y, bác sĩ đã được cải thiện đáng kể. Họ nhiệt tình hơn, ít cáu gắt và cười nói hòa nhã, cảm thông với bệnh nhân. “Những lúc ấy chúng tôi thấy thêm tin tưởng vào bác sĩ. Mặc dù vẫn còn tình trạng quá tải và nhiều bác sĩ khám qua loa nhưng chúng tôi giờ đã không còn sợ đi bệnh viện khám bệnh nữa”.

Quy trình thay đổi sẽ “cứu” bệnh nhân

Ông Phạm Vũ Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số nhận định: Chúng tôi cũng nhận được nhiều bất bình của người dân về chất lượng dịch vụ, thái độ thiếu trách nhiệm của y bác sĩ, vấn nạn phong bì... Những bức xúc này đã có từ lâu, nhưng sự đổi mới, cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm tải của ngành y tế vẫn chưa suy chuyển mấy. Có rất nhiều giải pháp có thể cải thiện tình hình mà không tốn quá nhiều tiền, như cung cấp thông tin bệnh tật cho người dân, chỉ dẫn quy trình khám chữa bệnh, bác sĩ thân thiện, ân cần với bệnh nhân hơn... Người bệnh đã khổ lắm rồi, đến viện lại phải chờ đợi, chịu sự vô cảm của cán bộ y tế, thì họ sẽ càng khổ hơn.

Bên cạnh những ý kiến tốt về nhân viên y tế, còn khá nhiều ý kiến phàn nàn, mong mỏi ngành y thay đổi để bệnh nhân đỡ khổ. Bà Nguyễn Thị Hảo (63 tuổi, quê ở xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) phẫu thuật u vú cách đây 5 tháng ở Bệnh viện K T.Ư cho biết, bà phải lặn lội từ 6 giờ 30 phút, bắt 2 lượt xe buýt để sang viện chờ phát thuốc định kỳ.

Bà đợi từ 8 giờ đến 11 giờ 30 thì được phát thuốc, nhưng khi phải nộp một số giấy tờ, chứng từ thì hết giờ nên bà lại gà gật trên ghế ngoài sân chờ đợi. Điều đáng nói là bà chỉ được phát thuốc uống trong vòng 1 tháng, tháng sau phải quay lại nhận tiếp.

Trước đó, bà Hảo được phát thuốc uống trong vòng 3 tháng. Các y tá phát thuốc cho biết, do thuốc của bệnh viện đang hết nên chỉ có thể nhỏ giọt cho bệnh nhân. “Tôi quê gần, sức khỏe cũng đã khá, nên đi lại còn đỡ. Nhưng nhiều bệnh nhân quê xa, sức yếu mới khổ...”.

Bệnh nhân Phạm Thị Dinh (51 tuổi, ở Hoành Bồ, Quảng Ninh) cũng đang điều trị ung thư vú. Mỗi lần lên Viện K khám, chị phải mất 2 ngày mới lấy hết các xét nghiệm. Tiền tàu xe, tiền ăn ngủ... mỗi lần cũng mất 1- 2 triệu đồng, gấp đôi, gấp ba tiền thuốc được cấp và mất 2- 3 ngày nghỉ làm. “Tôi chỉ mong ngành y tế có cách gì làm gọn quy trình khám chữa bệnh, “dãn” bệnh nhân để có thể khám nhanh hơn, người bệnh đỡ khổ mà các bác sĩ cũng bớt căng thẳng, cáu gắt”- chị nói.

Chị Nguyễn Thị H trú tại xã Tây Thành, Yên Thành, Nghệ An thì bức xúc vì “nạn phong bì”: “Từ bệnh viện huyện tới bệnh viện tuyến T.Ư, muốn có phòng bệnh, giường bệnh, chiếu chăn sạch đều phải phong bì. Muốn tiêm đỡ đau, mổ ưu tiên, đảm bảo cũng phải phong bì. Tôi mong Bộ Y tế dẹp được “nạn” phong bì, chấn chỉnh thái độ các y bác sĩ cho dân chúng tôi đỡ khổ”.

Vinh dự to lớn, nhiệm vụ nặng nề

Sáng 26.2, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện K T.Ư và Bệnh viện Nhi T.Ư. Nói chuyện với đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của 2 bệnh viện, Tổng Bí thư nhấn mạnh, người thầy thuốc có vinh dự to lớn, nhiệm vụ vẻ vang nhưng hết sức nặng nề.

Tổng Bí thư chỉ rõ, muốn khám chữa bệnh tốt thì cần phải có phương tiện máy móc, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có nhiều thuốc tốt và đặc biệt là phải có thầy thuốc giỏi, vì vậy cần sớm giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện, bảo đảm công bằng, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Tổng Bí thư cũng mong muốn, đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi nghiệp vụ, nhất là các tiến bộ của thế giới trong điều trị, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem