Dấu mốc không thể nào quên trong 3 năm chống dịch Covid-19

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 29/10/2023 11:49 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 đã để lại những dấu mốc "lần đầu tiên" và "không thể nào quên" trong cuộc sống và công tác chống dịch bệnh của nước ta.
Bình luận 0

Sáng nay, 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương.

Dấu mốc không thể nào quên trong 3 năm chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh VGP

Những dấu mốc trong 3 năm phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng đã nhắc lại những dấu mốc quan trọng trong hơn 3 năm phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta, bao gồm:

- Tháng 12/2019, thế giới ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên (tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc). Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

- Ngày 23/01/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.

- Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết chống dịch.

- Ngày 31/3/2020, đối mặt với đại dịch nguy hiểm, chưa có tiền lệ, trong khi thông tin hạn chế, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 16, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.

- Ngày 27/4/2021, sau hơn 1 năm chống dịch, chúng ta đối mặt với đợt dịch thứ 4, chủ đạo là biến chủng Delta có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng tại 62/63 tỉnh, thành phố, gây hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là tại TP.HCM. "Đó là những ngày tháng không thể ngủ được", Thủ tướng chia sẻ.

- Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi lần thứ hai, gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

- Tháng 7/2021, chúng ta bắt đầu đưa ra công thức chống dịch. Lúc đầu, công thức chỉ gồm có "5K+vaccine", song đây vẫn là việc rất có ý nghĩa, đánh dấu việc chuyển hướng từ chống dịch bằng biện pháp hành chính sang chuyển hướng bằng biện pháp hành chính kết hợp với biện pháp khoa học là vaccine.

Sau đó, công thức chống dịch lần lượt được bổ sung các thành tố, trở thành "5K+vaccine+điều trị+xét nghiệm+công nghệ+ý thức của người dân và các biện pháp khác". Đây là công thức chống dịch tương đối hoàn chỉnh.

Chúng ta đã đưa ra chiến lược vaccine với 3 thành tố quan trọng: Thứ nhất là lập Quỹ Vaccine để huy động nguồn lực tài chính; thứ hai là tiến hành ngoại giao vaccine để tiếp cận vaccine trong bối cảnh "có tiền cũng không mua được" do tiếp cận vaccine không bình đẳng; thứ ba là triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân.

- Ngày 11/10/2021, với tỷ lệ bao phủ vaccine khá cao, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, xác định công thức phòng, chống dịch phù hợp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

- Ngày 20/10/2023, Covid-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam.

Chống dịch Covid-19, biến điều không thể thành có thể

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19, một đại dịch nguy hiểm, có quy mô toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng, cả về sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Dấu mốc không thể nào quên trong 3 năm chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Thủ tướng: Việt Nam trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" về phòng chống dịch. Ảnh VGP

Việt Nam trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" về phòng chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.

Theo Thủ tướng, dù trong phòng chống dịch có nhiều ý kiến khác nhau nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, điều quan trọng là chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, làm được những điều tưởng như không làm được, mang lại bình yên cho nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Thủ tướng xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, vất vả trong phòng, chống dịch. Theo Thủ tướng, Việt Nam đã trải qua những thời gian khó khăn nhất với nhiều lo lắng, trăn trở trong tình huống dịch bệnh chưa có tiền lệ, không dự báo được tình hình, khả năng lây lan và độc lực của virus, cũng như hậu quả của việc nhiễm bệnh.

Việc phòng chống dịch ở thời điểm đó là "vô cùng khó khăn", "khó khăn tứ bề" khi "trong tay không có gì khác", không có vaccine, không có test kit… ngoài hệ thống y tế được thiết lập trong điều kiện bình thường, hệ thống này có thể đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện bình thường nhưng không thể đáp ứng trong điều kiện bất thường, khẩn cấp về y tế.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương trong phòng, chống dịch, trong đó tập trung nhận định kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, chia sẻ các cách làm hay, các phong trào, mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch để đúc rút thành kinh nghiệm, từ đó chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng, đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem