Không thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia
Ngày 27/10, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) khẳng định, đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia có kết quả trúng thầu đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế.
"Đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia có kết quả trúng thầu đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Các nhà thầu cơ bản đáp ứng tiến độ cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế", ông Dũng cho biết.
Ông Dũng chia sẻ thêm, các thuốc được Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đấu thầu là thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 và thuốc biệt có giá trị và số lượng sử dụng lớn, chủ yếu là các loại thuốc kháng sinh, tim mạch, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc kháng virus ARV.
Ông Dũng khẳng định, việc thực hiện mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp giảm giá thuốc, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, tiết kiệm thời gian, giảm đầu mối tổ chức đấu thầu, thay vì hàng nghìn hội đồng đấu thấu tại các cơ sở y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố…..
Tổng số có 701 thuốc, trong đó có 681 thuốc biệt dược gốc và 20 thuốc có từ 1-2 nhà sản xuất với 26 nhóm dược lý khác nhau. Tổng số thuốc đấu thầu tập trung quốc gia chiếm gần 17% tỷ trọng thuốc đang sử dụng tại các cơ sở y tế.
Năm 2022 và đầu năm 2023, Hội đồng đàm phán giá đã đàm phán thàn h công đối với 64 thuốc biệt dược gốc với tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 14,23% so với giá trúng thầu tại các cơ sở y tế trước đó (tương đương 2.035 tỉ đồng), thời gian thực hiện thỏa thuận khung là 24 tháng (có hiệu lực đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025).
Các thuốc biệt dược gốc được Hội đồng tiến hành đàm phán giá thành công là các hoạt chất có giá trị sử dụng trên 100 tỉ đồng (chiếm khoảng 50% tổng giá trị sử dụng nguồn BHYT của 681 thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục đàm phán giá).
Thừa thuốc có, thiếu thuốc cần
Ông Dũng cho biết, Trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu.
Với các thuốc generic nhóm 3,4,5 có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng sẽ do cơ sở y tế địa phương tự tổ chức đấu thầu đối. Tổng số thuốc đấu thầu tập trung quốc gia chiếm gần 17% tỷ trọng thuốc đang sử dụng tại các cơ sở y tế.
Còn lại phần lớn thuốc phục vụ công tác điều trị hiện nay được thực hiện bởi đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.
Trong khi đó, tình hình sử dụng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia đến nay tương đối thấp (đạt 19-24% tổng số thuốc trúng thầu).
Nguyên nhân chủ yếu các cơ sở y tế có báo cáo lại do thời điểm dự trù thuốc diễn ra trước dịch Covid nên việc sử dụng thuốc, mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân cơ bản có sự thay đổi sau đại dịch.
Như vậy, thuốc đã được đấu thầu không thiếu thì ít được sử dụng, còn thuốc cần lại đang thiếu. Các thuốc này phần lớn đều do đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.
Do đó, muốn khắc phục tình trạng thiếu thuốc như hiện nay thì công tác mua sắm, đấu thầu thuốc ở các địa phương, cơ sở y tế cần chủ động và hiệu quả hơn.
Về tình hình thiếu thuốc ở một số nơi, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Bộ Y tế cho biết thời gian qua, Nghị định 07, Nghị quyết 30 của Chính Phủ và Thông tư 14 của Bộ đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong đấu thầu vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế, nhất là với những vật tư, trang thiết bị có nhiều cấu hình và mức giá khác nhau.
Bộ Y tế cũng đã gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành đến năm 2024 đối với nhiều loại thuốc để đảm bảo nguồn thuốc đầu vào cho các đơn vị cung ứng.
Tuy nhiên, ông Lê Thành Công thừa nhận, hiện nay, có lúc, có nơi vẫn thiếu thuốc, vật tư là do chưa hết tâm lý e ngại sau những vụ việc vi phạm về đấu thầu.
Trước đó, chia sẻ về việc nhiều bệnh viện phía Nam thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, hiện thuốc điều trị tay chân miệng (cụ thể là thuốc immunoglobulin và thuốc chứa hoạt chất phenobarbital) không thiếu.
Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc là do cơ sở y tế và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc.
Ông Dũng nói rõ, hiện nay có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
Hiện nay đã nhập khẩu về Việt Nam với số lượng 8.258 lọ thuốc và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ tiếp tục nhập khẩu 2.000 lọ thuốc về Việt Nam.
Đối với thuốc chứa hoạt chất phenobarbital, có một thuốc do cơ sở trong nước sản xuất đã được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cơ sở đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc trong thời gian tới để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
"Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 21.000 lọ thuốc tiêm chứa hoạt chất phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay 21.000 lọ thuốc tiêm phenobarbital đã được nhập khẩu về Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở có nhu cầu", Phó Cục trưởng Lê Việt Dũng nói.
Hiện nay, ở một số nơi vẫn có tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Cụ thể như nhiều bệnh viện ở Đồng bằng Sông Cửu Long không thể tiếp nhận máu của người hiến máu vì thiếu túi đựng máu.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, số thuốc và vật tư y tế đang có tại bệnh viện hiện chỉ đáp ứng được 60% thuốc điều trị và 30% vật tư y tế. Bệnh nhân có BHYT phải ra ngoài mua cả bông băng, kim tiêm.
Một số bệnh viện chuyên khoa sản nhi khu vực phía Nam chưa có đủ các thuốc thiết yếu điều trị tay chân miệng, buộc phải chuyển bệnh nhân đến TP.HCM.
Một số vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng thiếu trầm trọng, hiện một số nơi chỉ cung ứng "nhỏ giọt".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.