4,5 triệu euro là tổng mức đầu tư của “Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng Việt Nam” vừa được khởi động ngày 9.9 tại Hà Nội. Đây là dự án được phối hợp giữa Chính phủ CHLB Đức và Chính phủ Việt Nam, thông qua Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT). Trong khoản kinh phí nói trên, GIZ hỗ trợ 4.500.000 euro và vốn đối ứng của Việt Nam là 450.000 euro. Chương trình thực hiện từ năm 2015 đến 2018.
Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang). Ảnh: VIKTRAVEL
Dự án cũng nhằm tăng cường năng lực các cơ quan quản lý nhà nước, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội về công tác quản lý và phát triển rừng bền vững với mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng. Đồng thời, chuyển giao kinh nghiệm liên quan đến đa dạng sinh học từ các sáng kiến quốc tế liên quan đến lâm nghiệp…
Ông Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, Trưởng ban Dự án cho biết, đây là một trong những chương trình nằm trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, đặc biệt là Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, bảo vệ vùng nước nội địa đến năm 2020 với 2,4 triệu ha rừng đặc dụng, hoàn thiện và quản lý 176 khu dừng đặc dụng, trong đó có 34 vườn quốc gia. Dự án sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng và làm cơ sở cho việc tư vấn xây dựng thể chế, chính sách…
n Tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ năm 2015-2020, tỉnh quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng và triển khai Dự án "Rừng mưa nhiệt đới", trên diện tích hơn 67ha, thuộc tiểu khu 91 (phường An Tây, TP.Huế) và tiểu khu 154 (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy).
Dự án nhằm mục tiêu lưu giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn gen các loài thực vật rừng đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới của các tỉnh duyên hải miền Trung, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và du lịch sinh thái trên địa bàn và trong khu vực. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống…
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang chỉ đạo các đơn vị chức năng sưu tầm mẫu vật, nghiên cứu khoa học; trước mắt là mẫu vật địa chất, khoáng sản, thực vật, sau đó sẽ là bộ mẫu vật động vật… phục vụ phát triển bảo tàng về lâu dài.
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong - đơn vị được chọn để triển khai dự án sẽ tập trung phát triển các loại cây bản địa, đặc trưng của khu hệ rừng mưa nhiệt đới (theo dự án là 48 loài cây) và diện tích trồng từng loại cây để thực hiện nhân giống, trồng cây bản địa, đặc hữu, quý hiếm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.