Đây là lý do người Việt sẽ cực tiếc nuối nếu bỏ qua nguyệt thực ngày 28/7

Ngọc Phạm Thứ sáu, ngày 27/07/2018 13:29 PM (GMT+7)
Có rất nhiều lý do để một người đứng trên lãnh thổ Việt Nam phải nhìn lên bầu trời vào rạng sáng 28/7/2018.
Bình luận 0

img

Mặt Trăng chuyển màu khi xảy ra hiện tượng nguyệt thực.

Vào rạng sáng mai (28/7), người Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới sẽ được chiêm ngưỡng một hiện tượng thiên văn kỳ thú, đó là nguyệt thực toàn phần. Đây là lần thứ 2 và cũng là lần cuối xảy ra nguyệt thực trong năm 2018.

Theo tính toán của các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cũng như nhiều cơ quan thiên văn khác trên thế giới, phải tới tận ngày 26/5/2021 mới lại diễn ra lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo mà người yêu thiên văn tại Việt Nam có thể quan sát được.

Điều đó có nghĩa là: Nếu bỏ qua nguyệt thực toàn phần vào ngày 28/7/2018, thì một người đứng tại Việt Nam phải chờ thêm tới 2 năm + 9 tháng + 28 ngày nữa mới có cơ hội quan sát lại hiện tượng nguyệt thực toàn phần hiếm gặp.

Tuy nhiên, thời gian chờ chưa phải là tất cả của vấn đề. Theo dự báo của anh Nông Hoàng Sơn (Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội), đối với nguyệt thực toàn phần vào ngày 26/5/2021, khi pha toàn phần diễn ra thì Mặt Trăng chỉ mới bắt đầu mọc nên sẽ rất không thuận lợi cho việc quan sát.

img

Nếu bỏ qua nguyệt thực toàn phần vào ngày 28/7/2018, sẽ rất lâu nữa người Việt Nam mới có cơ hội quan sát lại hiện tượng này.

Ngoài ra, như tin đã đưa, hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra vào ngày 28/7/2018 cũng nằm trong khoảng thời gian xuất hiện cơn mưa sao băng Delta Aquarid (Bảo Bình δ). Với bầu trời tối hơn so với những đợt trăng tròn khác (do xảy ra nguyệt thực), thì việc nhìn thấy các vệt sao băng trên bầu trời sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

“Tốt hơn hết, bạn hãy chọn cho mình và bạn bè một khu vực rộng rãi nhất và trong lành nhất có thể, càng tránh xa khỏi ánh đèn đô thị càng tốt, để xem nguyệt thực toàn phần vào rạng sáng mai (28/7 - PV). Đây là một hiện tượng thiên văn có thể quan sát được bằng mắt thường, nhưng sẽ thú vị hơn nếu bạn có một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn”, anh Sơn gợi ý.

Mặc dù vậy, nếu bỏ lỡ nguyệt thực toàn phần đợt này, người Việt Nam vẫn có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực một phần diễn ra vào đêm 16 - rạng sáng 19/7/2019, theo tính toán của NASA.

Nguyệt thực là gì?

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất, và không được Mặt Trời chiếu sáng.

Khi Mặt Trăng đi càng sâu vào trong vùng bóng tối của Trái Đất, Mặt Trăng sẽ dần dần thay đổi màu sắc, chuyển từ bạc sang màu cam hoặc đỏ. Tới khi Mặt Trăng đi hoàn toàn vào vùng bóng tối của Trái Đất được gọi là nguyệt thực toàn phần, một số người còn gọi đó là “trăng máu”.

Các mốc thời gian của nguyệt thực toàn phần vào ngày 28/7/2018 tại Việt Nam như sau:

- Lúc 0h14: Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối. (Nhìn bằng mắt thường sẽ khó nhận thấy sự thay đổi màu sắc của Mặt Trăng).

- Lúc 1h24: Bắt đầu pha một phần.

- Lúc 2h30: Bắt đầu pha toàn phần.

- Lúc 4h13: Kết thúc pha toàn phần.

- Lúc 5h10: Kết thúc pha một phần.

- Lúc 5h36: Mặt trăng lặn.

- Lúc 6h28: Nguyệt thực nửa tối kết thúc.

Ngắm nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 ở đâu lý tưởng nhất Việt Nam?

Thời tiết tại Việt Nam dự báo sẽ có nhiều khó khăn để những người yêu thiên văn có thể chiêm ngưỡng nguyệt thực...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem