Đây là nông dân đầu tiên của Nghệ An trồng cam Xã Đoài tiêu chuẩn toàn cầu, bán quả lên máy bay

Thắng Tình Chủ nhật, ngày 11/02/2024 05:53 AM (GMT+7)
Trồng cam Xã Đoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP, bán thành công loại cam đặc sản này trên các chuyến bay đã giúp ông Trịnh Xuân Giáo, quê ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An làm giàu....
Bình luận 0

Lên vùng đất khó lập trang trại trồng cam Xã Đoài

Nhắc đến quả cam Xã Đoài ai cũng biết. Vị ngọt thanh, dịu, hương thơm đặc trưng của quả cam Xã Đoài có thể chinh phục được những thực khách khó tính nhất. Loại quả quý này cũng đã giúp nhiều người dân làm giàu. 

Nhưng để đưa quả cam Xã Đoài vươn tầm thế giới phải nhắc đến ông Trịnh Xuân Giáo quê ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Đây là nông dân đầu tiên của Nghệ An trồng cam Xã Đoài tiêu chuẩn toàn cầu, bán quả lên máy bay- Ảnh 1.

Ông Trịnh Xuân Giáo quê ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An người đầu tiên trồng cam Xã Đoàn theo tiêu chuẩn toàn cầu-tiêu chuẩn GlobalGAOP, nâng tầm quả cam Xã Đoài. Ảnh: N.T

Ông Giáo có nhiều năm làm việc ở Đông Âu. Quãng thời gian này ông cũng tích lũy được số vốn. Năm 2001, ông Giáo cùng vợ trở về quê xã Bảo Thành, huyện Yên Thành lập nghiệp. Ông quyết mua 20 ha đất hoang ở xã Đồng Thành để cải tạo thành trang trại trồng Cam Xã Đoài. Đây là loại quả vốn đã nổi tiếng khắp xa gần với hương thơm, vị ngọt, thanh dịu.

Vùng đất này khá cằn cỗi, nên ông Giáo phải cải tạo đất trong 5 năm. Song song với quá trình cải tạo đất, ông Giáo tìm gặp nông dân có kinh nghiệm trồng cam để học hỏi và mời họ về làm kỹ thuật.

Những cây cam đầu tiên bén rễ trên vùng đất đồi ở xã Đồng Thành. Sau 4 năm, hàng chục nghìn gốc cam cho lứa quả đầu tiên. Từ năm 2013, quả bắt đầu ngọt thơm, doanh thu 1 tỷ đồng/ha/năm.

"Mới đầu ai cũng nghĩ tôi gàn dở. Người dân xung quanh nghi ngờ. Tôi cũng đầu tư không ít tiền của vào trang trại, cũng rất lo. Nhưng tôi tin với kỹ thuật tốt sẽ khắc phục được các yếu tố bất lợi, mình sẽ thành công. Và sự thật đã được chứng minh khi những lứa cam bắt đầu cho quả ngon ngọt", ông Giáo chia sẻ.

Đây là nông dân đầu tiên của Nghệ An trồng cam Xã Đoài tiêu chuẩn toàn cầu, bán quả lên máy bay- Ảnh 2.

Ông Giáo chia sẻ về những khó khăn khi trồng cam Xã Đoài theo tiêu chuẩn GLobalGAP và hành trình bán thành công loại quả đặc sản này lên các suất ăn trên máy bay. Ảnh: N.T

Cây cam trong trang trại của ông Giáo chủ yếu được bón bằng phân bò và kali hữu cơ làm từ tàn tro của cây mía, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo sạch đã chinh phục được người tiêu dùng. Quả cam Xã Đoài của trang trại ông Giáo có từng nào cũng tiêu thụ hết.

Đưa cam Xã Đoài vươn tầm thế giới

Lúc này, ông Giáo bắt đầu lên ý tưởng đưa quả cam Xã Đoài ra nước ngoài. Ông tìm hiểu, hướng trang trại phát triển theo mô hình của Hiệp hội Nông nghiệp Đức và được tổ chức này công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP năm 2019.

Đây là nông dân đầu tiên của Nghệ An trồng cam Xã Đoài tiêu chuẩn toàn cầu, bán quả lên máy bay- Ảnh 3.

Vỏ mỏng, thơm, ngọt thanh, dịu đã giúp quả cam Xã Đoài của ông Giáo quê ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An chinh phục những vị khách khó tính nhất. Ảnh: N.T

Đây cũng là thời điểm, tập đoàn AEON của Nhật Bản cử người đến thẩm định vườn cam, sau đó đặt vấn đề hợp tác, một tuần mua 4 tấn cam đưa vào chuỗi siêu thị bán lẻ đặt tại nhiều quốc gia. Từ đây, quả cam Xã Đoài bắt đầu vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, 20 ha cam tại xã Đồng Thành bắt đầu già, cần mở rộng thêm diện tích. Năm 2016, ông lên huyện miền núi Con Cuông đặt vấn đề với chính quyền thuê 54 ha đất hoang hóa ở xã Môn Sơn để cải tạo trồng cam Xã Đoài. Khu đất là thung lũng nằm lọt thỏm giữa các núi đá vôi, không có đường đi. Từ trung tâm xã vào rất khó khăn.

Ông Giáo quyết tâm chinh phục vùng đất khó này. Năm 2016, ông bắt tay vào cải tạo đất. "Khu đất này nguyên sơ, từ trước tới nay chưa ai trồng cây nên rất tốt. Xung quanh có núi đá, nhiệt độ luôn giảm 3 đến 4 độ C so với bên ngoài, trồng cam Xã Đoài chắc chắn ngon", ông Trịnh Xuân Giáo chia sẻ.

Đây là nông dân đầu tiên của Nghệ An trồng cam Xã Đoài tiêu chuẩn toàn cầu, bán quả lên máy bay- Ảnh 4.

Cam Xã Đoài được phục vụ trên các chuyến bay. Ảnh: V.N

Giữa năm 2019, trang trại xong mặt bằng, ông Giáo trồng 25.000 cây cam Xã Đoài, vẫn áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sau bốn năm, cam ở trang trại Con Cuông bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, chất lượng dần ổn định.

Đầu năm 2023, ông Giáo có dịp trò chuyện với lãnh đạo của một hãng hàng không Việt Nam trên chuyến bay, ông Giáo kể về nguồn gốc cam Xã Đoài và mời đến trang trại chơi, thưởng thức đặc sản.

Khi tới thăm trang trại ở huyện Con Cuông, lãnh đạo hãng hàng không bị mê hoặc bởi hương vị cam. Ông Giáo đặt vấn đề đưa cam trồng tại trang trại lên suất ăn máy bay. Sau khi thẩm định, hãng hàng không đồng ý thu mua cam của ông Giáo.

Từ tháng 11/2023, mỗi ngày xe chở 2 tấn cam ra sân bay Nội Bài. Cam Thiên Sơn - Xã Đoài, nông sản Việt được nhiều khách quốc tế thưởng thức, khen ngon. Đó là niềm vui rất lớn đối với ông Giáo vì ngoài việc thu lại lợi nhuận, quả Cam Xã Đoài đến được với nhiều khách hàng trên toàn thế giới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem