Đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại thuốc lá

HỮU KÝ Thứ hai, ngày 01/06/2015 08:00 AM (GMT+7)
Những năm qua, công tác phòng chống tác hại  thuốc lá (PCTHTL) đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là sau khi nước ta phê chuẩn thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (của Tổ chức Y tế thế giới - WHO) cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật về PCTHTL. Dự kiến trong thời gian tới chương trình PCTHTL sẽ được đẩy mạnh hơn nhằm bảo vệ sức khỏe của mỗi người và cộng đồng.  
Bình luận 0

Người dân ngày càng hiểu rõ về tác hại thuốc lá

PGS-TS Nguyễn Thị Xuyến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra các gánh nặng về bệnh tật và kinh tế, không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và xã hội. Sớm nhận thức được điều đó nên khi WHO khởi xướng xây dựng Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn công ước khung này (Việt Nam là nước thứ 47/180 quốc gia phê chuẩn).

img
Sáng 30.5 tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31.5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá. Ảnh:    H.K

Theo thứ trưởng Bộ Y tế, tham gia công ước Việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: Xây dựng môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh trên vỏ bao thước lá, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Đến nay sau 10 năm thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, công tác PCTHTL đã đạt nhiều thành tích. Trong đó nhận thức của người dân về tác hại của hút thuốc lá được nâng cao. Có đến 95% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây bệnh tật; 87% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc lá thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Đa số người dân đều ủng hộ các chính sách PCTHTL mạnh mẽ và mong muốn làm việc trong môi trường không thuốc lá. Cũng chính vì vậy hành vi hút thuốc lá không còn là hành vi phổ biến được chấp nhận như trước đây.

Trong khi đó theo thông tin từ Bộ Y tế, hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay đã có 12/22 bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội; 40/63 tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo về phòng chống tác hại của hút thuốc lá. Trong đó nhiều tỉnh, thành đang nỗ lực tham gia các hoạt động PCTHTL như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Tiền Giang, Hải Dương, Quảng Ninh… Môi trường không khói thuốc được mở rộng và củng cố tại các cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ quan công sở. Bên cạnh đó ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia vào hoạt động này.

Nhờ những nỗ lực đó nên công tác PCTHTL tại nước ta đã có chuyển biến rõ nét và thể hiện qua những con số cụ thể. Thống kê của Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm từ 51,6% năm 2001 xuống 47,4% năm 2010; tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (từ 13 – 15 tuổi) giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014. Hành vi hút thuốc lá ngày càng bị hạn chế tại nơi làm việc, trường học và nhiều khu vực công cộng.

Đẩy mạnh thực hiện pháp luật về PCTHTL

Đánh giá về công tác PCTHTL, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTHTL cho rằng, mặc dù đã có nhiều kết quả tích cực nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc lá, 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. Theo thống kê hơn 33 triệu người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động, do ốm đau và tử vong sớm lên đến 23 tỷ đồng/năm.

Hiện nay công tác PCTHTL vẫn còn một số khó khăn, như tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới còn cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế, một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thực hiện quy định này. Vì vậy trong thời gian tới công tác này cần nhiều sự nỗ lực và cố gắng không chỉ riêng ngành y tế mà cần sự chung tay của các bộ, ngành, tổ chức chính trị và các tỉnh, thành phố. Trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, phổ biến Luật PCTHTL và các quy định về các địa điểm cấm hút thuốc lá…

Theo đại diện quỹ, điều kiện thuận lợi trong công tác PCTHTL là nước ta đã sớm tham gia phê chuẩn Công ước Khung, rồi Luật PCTHTL được Quốc hội ban hành năm 2012 là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất, đánh dấu bước ngoặt lớn trong công tác PCTHTL tại Việt Nam. Đến ngày 25.1.2013, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 229/QĐ-TTg về việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 với nhiều văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư để hướng dẫn triển khai Luật PCTH thuốc lá.

Thực hiện theo chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2020, trong thời gian tới việc PCTHTL sẽ được đẩy mạnh. Mà một trong những giải pháp được thực hiện “mạnh tay” là đánh thuế thuốc lá. Theo lộ trình từ ngày 1.1.2016 thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này sẽ tăng thêm 5%, tức từ 65% lên 70%. Tiếp đó đến ngày 1.1.2019 thuế này cũng sẽ tăng từ 70% lên 75% để hạn chế nguồn cung cấp thuốc lá.

Bên cạnh đó quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá và các công ty thuốc lá sẽ được đẩy mạnh hơn, và các hoạt động này chỉ được thực hiện tài trợ trong các hoạt động khắc phục thiên tai. Và không được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, việc áp dụng in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá lần đầu tiên tại Việt Nam cũng sẽ được áp dụng với 6 mẫu cảnh báo, chiếm 50% diện tích cả mặt trước và mặt sau vỏ bao thuốc lá…

Đánh giá về công tác PCTHTL tại Việt Nam, tiến sĩ Gabit Ismailov - Phó Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã sớm thực hiện công tác PCTHTL và thực hiện khá tốt. Theo tiến sĩ Gabit Ismailov, khi Luật PCTHTL và Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam được thực hiện thì hiệu quả hết sức to lớn. “Chúng tôi ước tính nếu thực hiện đầy đủ luật kiểm soát thuốc lá và thực hiện tăng thuế thuốc lá lên gấp đôi thì có thể cứu được 16.000 sinh mạng khỏi tử vong mỗi năm do thuốc lá tại Việt Nam. Còn việc thực hiện đầy đủ Công ước khung sẽ giúp phòng ngừa làm giảm được sử dụng thuốc lá, một trong những yếu tố chính gây ra các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bao gồm tim mạch, ung thư, đáo tháo đường và bệnh hô hấp mãn tính” - ông Gabit Ismailov nói.

Đi bộ vì môi trường không khói thuốc

Ngày 31.5, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không khói thuốc lá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hơn 1.000 đại biểu đã đi bộ ủng hộ môi trường không  khói thuốc. Ông Đam kêu gọi tất cả nam giới có mặt trong buổi mít tinh cùng dành 30 giây để suy nghĩ về việc không hút thuốc. Hiện nay, Việt Nam là nước Nam đứng thứ 3 ở khu vực châu Á và thứ 15 thế giới về số người hút thuốc lá. Theo đó, có đến 41,2% nam giới trưởng thành, 1,6% nữ giới trưởng thành, 5,9% thiếu niên nam và 1,2% thiếu niên nữ hút thuốc hàng ngày. Tỷ lệ này tương đương với hơn 120.000 trẻ em và 14.769.000 người trưởng thành sử dụng thuốc lá.

Diệu Linh 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem