Không chỉ được tư vấn, hướng dẫn, hàng trăm hộ dân làm nghề thủ công mỹ nghệ tại làng Đồng Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) còn được cung cấp trang thiết bị bảo hộ an toàn và được cán bộ tới tận nhà hướng dẫn thực hành an toàn.
Là thợ có trên dưới 60 năm tuổi nghề ở làng Đông Giao, ông Vũ Đình Khoa cho biết, nhờ có nghề mà bao đời nay bà con trong làng ông mới "sống khỏe". Làng nghề mộc có thâm niên hơn 300 năm nay, đang tạo công ăn việc làm cho 900 hộ gia đình trong thôn. Nhờ nghề mộc mà thu nhập trung bình của dân làng khá cao, từ 7-9 triệu đồng/tháng. Với những thợ có tay nghề cao, thu nhập có thể lên tới 20-30 triệu đồng/người/tháng.
Đưa nội dung an toàn lao động vào dạy nghề
Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, để nâng cao thực hành an toàn lao động, giai đoạn 2021-2025, Cục An toàn lao động sẽ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp rà soát, hoàn thiện giáo trình dạy an toàn vệ sinh lao động đối với một số lĩnh vực có nguy cơ cao về an toàn lao động. Sau đó, sẽ đưa nội dung này vào giảng dạy chính thức tại 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, trong đó có cả dạy nghề trung cấp, cao đẳng và dạy nghề cho lao động nông thôn.
Mặc dù công việc có thu nhập khá, nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Theo ông Khoa, nghề mộc rất dễ xảy ra các tai nạn như hít bụi gỗ, bị dây cưa đứt văng vào tay chân; bụi bay vào mắt; điếc tai... Dù biết nhưng hầu hết lao động đều rất chủ quan, xem đó là chuyện bình thường nên không trang bị, mang bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.
Lao động Dương Văn Nguyên (28 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho hay, anh vừa phải đi điều trị bệnh viêm giác mạc mắt 1 tuần. Do không đeo kính trong lúc cưa, xẻ gỗ, anh bị bụi bay vào mắt dẫn tới viêm giác mạc. Ngoài ra, anh còn bị thoái hóa đốt sống lưng, mà theo bác sĩ chỉ ra là do làm việc sai tư thế, bưng bê vật nặng quá nhiều.
Không chỉ mắc bệnh nghề nghiệp, một đồng nghiệp làm cùng xưởng với anh Nguyên là anh Đặng Văn Long còn gặp phải tai nạn lao động bị dây cưa đứt văng trúng tay làm mất một ngón tay. Mặc dù vậy, anh Long cho biết: "Đây chỉ là tai nạn nhỏ, làm nghề này thì không tránh khỏi các tai nạn nho nhỏ như vậy. Biết tránh, nhưng đôi khi tránh không được. Làm nghề, thời tiết nắng nóng, cứ phải đeo kính, khẩu trang... thì khó làm việc lắm".
Ông Vũ Văn Định (49 tuổi) chủ cơ sở sản xuất Đồ gỗ mỹ nghệ Định Huyền (làng Đông Giao) nơi có 2 lao động trên đang làm việc, cho biết, đa phần lao động vào làm tại xưởng là lao động không qua đào tạo. Họ tự học, tự làm, làm nhiều thì tay nghề được nâng cao. Tuy nhiên, ông Định thừa nhận một thực tế: Dù tay nghề có lâu năm, kỹ năng nghề có tốt nhưng ý thức tuân thủ quy trình lao động, sửa dụng đồ bảo hộ, đảm bảo an toàn lao động của họ rất kém. "Vấn đề này chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng nó tạo thành thói quen nên lao động thường không chấp hành chặt. Cứ nhắc nhở thì tuân theo, xong đâu lại vào đấy" - ông Định nói.
Những thay đổi tích cực
Mặc dù thói quen sản xuất tự do đã ăn sâu, nhưng thời gian vừa qua, nhờ được cán bộ trong chương mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và việc làm an toàn về can thiệp, tư vấn thì nhận thức của chủ xưởng và lao động cũng có nhiều thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Hà - chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ Thành Đạt cho biết, sau khi tư vấn, cán bộ đã đến tận nhà giám sát đánh giá các bước thực hành nhằm xây dựng một môi trường an toàn lao động cho cả lao động lẫn nhà xưởng. Kết quả, một thời gian ngắn triển khai, lao động có ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn lao động. Bản thân chủ cơ sở cũng tự cải thiện môi trường lao động, nhà xưởng theo hướng an toàn hơn.
"Giờ đây chúng tôi thấy rằng việc đảm bảo an toàn lao động, cũng như môi trường lao động an toàn không chỉ tốt cho người lao động mà còn tốt cho cả chúng tôi. Điều đó làm gia tăng năng suất lao động, đảm bảo để lao động yên tâm làm việc. Nó không chỉ làm tăng về giá trị kinh tế mà còn góp phần chăm lo tốt hơn cho người lao động " - bà Hà đánh giá.
Bà Ngô Kim Tú - chuyên gia tư vấn của dự án cho biết, nhìn chung sau can thiệp, hầu hết các chủ cơ sở sản xuất đã có thay đổi về tư duy. Lao động cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành mang các thiết bị bảo hộ như kính, găng tay, giày, khẩu trang... Nhà xưởng gọn gàng, cách sắp đặt máy móc cũng hợp lý hơn. Nhiều thiết bị máy móc, ổ điện... chưa an toàn đã được cán bộ dự án tư vấn để xưởng điều chỉnh lại.
"Nhìn chung việc chấp hành của chủ cơ sở và lao động đã nâng lên rất nhiều. Đặc biệt từ việc chấp hành, nhiều lao động và chủ cơ sở thấy được tác dụng của việc thực hành lao động an toàn, từ đó thực hành nhiều hơn để trở thành thói quen, kỹ năng chứ không chỉ chấp hành theo kiểu chống đối" - bà Tú nói.
Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, hoạt động tư vấn, hỗ trợ thực hành an toàn lao động làng nghề Đồng Giao nằm trong chuỗi hoạt động trong chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và việc làm an toàn. Chương trình được triển khai khắp cả nước, nhưng năm nay Cục An toàn lao động chọn 3 tỉnh triển khai làm thí điểm là: Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An (năm trước triển khai ở một số tỉnh khác là Nam Định; Bắc Ninh...).
"Chương trình được thực hiện với một chuỗi các hoạt động bao gồm: Đánh giá khảo sát, tư vấn thực hiện đảm bảo an toàn trong làng nghề, và đánh giá thu thập hình ảnh, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình. Qua các hoạt động này chương trình mong muốn sẽ nâng cao ý thức, và cải thiện vấn đề thực hành an toàn lao động trong các làng nghề của Việt Nam trong cả nước" - ông Thơ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.