Dậy sóng vì "đường lưỡi bò văn hóa" trên chiếc áo dài bị "chiếm đoạt" thành trang phục Trung Hoa

Minh Thi Thứ sáu, ngày 22/11/2019 12:08 PM (GMT+7)
Nhiều nhà thiết kế Việt đã bị sốc khi xem chương trình biểu diễn thời trang của một nhà tạo mẫu nổi tiếng có ảnh hưởng khá rộng của Trung Quốc, vì đó là buổi biểu diễn áo dài Việt với đủ phụ kiện, từ nón lá, khăn mấn đến áo khoác… Theo NTK Minh Hạnh, đây là một hình thức “đường lưỡi bò” về văn hóa, nên cảnh báo về tình trạng xâm thực văn hóa, và cần có hành động thiết thực để bảo vệ trang phục truyền thống của dân tộc.
Bình luận 0

Ngang nhiên copy áo dài Việt

Vài ngày qua, bộ sưu tập được gọi là “cách tân” những kiểu áo dài của thương hiệu thời trang Ne·Tiger từng công bố tại Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh khai mạc ngày 25/10/2018 đã thu hút sự chú ý và gây bức xúc với người Việt, vì trong đó có những mẫu thiết kế giống áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là "sự sáng tạo" của nhà thiết kế Trung Quốc.

Thậm chí, nhà thiết kế của Ne·Tiger còn khẳng định: "Khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục”, cho dù là trang phục copy y mẫu áo dài Việt.

img

Mẫu áo dài của NTK Thủy Nguyễn.

img

Mẫu áo dài bị NTK Trung Quốc đạo nhái.

Ngay sau đó, NTK Thuỷ Nguyễn đưa ra bằng chứng thương hiệu Trung Quốc đã nhái mẫu áo dài mà chị giới thiệu đầu năm 2018.

Theo nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn, mẫu áo dài cách tân thiết kế trên chất liệu vải gấm, hoạ tiết thắng cảnh Việt Nam nằm trong bộ sưu tập Áo dài Non nước của chị trình diễn trong chương trình Tình Xuân diễn ra ngày 24/1/2018 đã bị thương hiệu Ne-Tiger copy.

Nhà mốt Việt vô cùng bất bình trước hành động và việc làm của thương hiệu Trung Quốc.

img

Mẫu của NTK Trung Quốc.

Tránh sự xâm thực về văn hóa

NTK Minh Hạnh bày tỏ, ngay sau khi xem chương trình thời trang này, bà đã rất bất bình, và gọi điện cho một số nhà quản lý đề nghị Việt Nam nên có động thái đăng ký bản quyền chiếc áo dài với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Bởi đây là một “đường lưỡi bò” thứ 2 về mặt văn hóa. Sự xâm thực về văn hóa này rất nguy hiểm, biến văn hóa truyền thống của người Việt thành một bộ phận văn hóa của Trung Quốc thì không thể chấp nhận được!

img

Mẫu của NTK Trung Quốc.

Trên trang cá nhân, NTK Sỹ Hoàng lo ngại: “Cho đến giờ, chưa có bất kỳ một văn bản nào từ phía chính phủ công nhận Áo dài là Quốc phục Việt Nam. Văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho ta - người Việt?”.

Và ông kêu gọi: “Nên chỉ có thể chúng ta, người Việt dù ở nơi đâu - hãy xem việc mặc áo dài trong một dịp nào có thể nhất, là đã cùng nhau góp tâm giữ được cho người Việt tấm áo của quê hương đất nước! Tất cả người Việt Nam chúng ta, mặc áo dài không chỉ đẹp cho mình nữa. Mà giờ đây còn chính là trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ văn hóa nước nhà. Mong quý bạn Fb hãy cùng khẩn thiết chia sẻ rộng rãi thật nhanh thông tin nguy cơ xâm hại chiếm đoạt áo dài Việt…”.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhìn nhận: Thời gian gần đây, nhiều nhà tạo mẫu nổi tiếng của Trung Quốc đã tung ra các bộ sưu tập áo dài tại những tuần lễ thời trang quan trọng. Chiếc áo dài Việt Nam bỗng dưng được giới thiệu là thành quả sáng tạo của giới thiết kế Trung Quốc.

img

Các NTK Việt  phản đối việc NTK Trung Quốc gọi đây là trang phục truyền thống của họ.

Tờ China Daily cũng liên tục công bố những "giá trị văn hóa" này, với mục đích khẳng định chiếc áo dài thuộc về người Trung Quốc. Đây là một dạng "đường lưỡi bò" tinh vi hơn chăng?

"Chiếc áo dài Việt Nam xuất hiện từ năm 1934, do họa sĩ Nguyễn Cát Tường thiết kế. Thế nhưng, nếu chúng ta không cẩn thận, thì Trung Quốc vẫn thừa khả năng (cả về tài lực, nhân lực, vật lực lẫn... quyền lực) để tạo dựng những chứng cứ lịch sử khác, mà tước đoạt bản quyền chiếc áo dài của Việt Nam.

img

Mẫu của NTK Trung Quốc.

Làm sao để bảo vệ chiếc áo dài Việt Nam? Tôi đã trò chuyện với hai nhân vật thời trang hàng đầu Việt Nam là nhà tạo mẫu Minh Hạnh và nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng, cả hai đều khẩn thiết mong Chính phủ và Quốc hội nhanh chóng hoàn tất các điều kiện cần thiết để công nhận chiếc áo dài là Quốc phục của Việt Nam.

Thực địa hay quần đảo bị chiếm hữu có thể giành lại, còn văn hóa bị lấy đi thì sẽ mất mãi mãi!", nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem