ĐBQH đề xuất không phát hành biển số xấu, có danh mục biển số độc, lạ để đấu giá

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 11/11/2022 17:09 PM (GMT+7)
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất không phát hành biển số "xấu", đồng thời cần làm rõ biển số đẹp là gì, có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá nhằm tăng nguồn thu ngân sách.
Bình luận 0

Theo chương trình kỳ họp, chiều 15/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Ngày 11/11, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Có đại biểu Quốc hội đề xuất mức khởi điểm đấu giá là 200 triệu đồng

Theo tổng hợp, có 121 đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết. Bên cạnh đề xuất không phát hành biển số "xấu", một số đại biểu cho rằng "cần làm rõ biển số đẹp là gì", "có danh mục biển số độc, lạ" để đưa ra đấu giá nhằm tăng nguồn thu ngân sách.

Mức khởi điểm đấu giá biển số ôtô nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, 52 đại biểu đồng ý áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm như đề nghị của cơ quan thẩm tra là 40 triệu đồng, 4 ý kiến cho rằng chỉ nên để 20 triệu đồng. Cũng có ý kiến đề xuất mức 50, 80 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng với biển số đẹp, bắt buộc phải đưa ra đấu giá.

ĐBQH đề xuất không phát hành biển số xấu, có danh mục biển số độc, lạ để đấu giá - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: QH.

Bên cạnh đó, có đại biểu đề xuất quy định giá khởi điểm theo hai nhóm gồm biển số đẹp được thừa nhận rộng rãi và nhóm biển số lựa chọn theo mong muốn; phân loại nhiều nhóm biển số khác nhau để có các giá khởi điểm khác nhau.

Bước giá được các đại biểu Quốc hội đề xuất 5 triệu đồng; hoặc 5 triệu đồng với Hà Nội, TP.HCM, các địa phương còn lại là 2 triệu đồng.

Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Có 21 người đề nghị bổ sung quy định biển số trúng đấu giá là tài sản cá nhân, người trúng đấu giá có quyền tài sản theo Bộ luật Dân sự.

15 ý kiến đề nghị quy định theo hướng người được chuyển nhượng, nhận cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe cũng có đầy đủ các quyền như người trúng đấu giá biển số xe.

Có đại biểu góp ý, ban soạn thảo cần làm rõ số lần người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình và thời hạn phải đăng ký đối với trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe giữ lại biển số trúng đấu giá. Đồng thời, Chính phủ cũng phải làm rõ giá chuyển nhượng xe kèm biển trúng đấu giá để xác định thuế khi chuyển nhượng.

Nhiều ý kiến khác nhau về tiền thu được từ đấu giá biển số xe

Tiền thu được từ đấu giá biển số xe ôtô cũng là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí thực hiện đấu giá. Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị quy định ngay trong dự thảo Nghị quyết tỷ lệ phân bổ cho ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tỷ lệ gợi ý là 70-30, 60-40, 50-50.

Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục CSGT đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo nhưng đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi".

Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem