ĐBQH Dương Trung Quốc: Nên đặt tên đường là “ông bà Trịnh Văn Bô”

Ngọc Lương Thứ sáu, ngày 24/11/2017 11:57 AM (GMT+7)
“Đã đặt tên đường nên đặt là “ông bà Trịnh Văn Bô”, chúng ta đừng quên vai trò của cụ bà, nhất là theo nhận thức truyền thống “của chồng công vợ”, Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (sáng 24.11).
Bình luận 0

img

Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông có rất nhiều năm là thành viên hội đồng xét duyệt tên đường phố và biết một số nguyên tắc, chẳng hạn như người đó phải mất bao nhiêu lâu mới được công nhận đặt tên đường. 

Vấn đề nữa là phải trên cơ sở danh sách nhân vật để tìm đường thích hợp nhất đặt tên. Ví dụ như là con đường đó phải nằm ở khu vực gần gũi với quê hương, địa bàn hoạt động của người được đặt tên, đồng thời, cũng phải thể hiện ở quy mô, vị trí con đường...

Vẫn theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, về thủ tục không nhất thiết phải có sự thỏa thuận với gia đình nhưng khi chính quyền tiến hành nên có sự tham khảo ý kiến của gia đình.

“Gia đình của người được đặt tên đường cũng nên nhìn nhận việc đạt được sự tương xứng giữa con đường với công lao là rất khó. Bởi vì, quỹ đất đai chúng ta không chủ động được. Do đó, nếu có sự thương thảo trước, chia sẻ tất cả những khó khăn, tìm được cách làm tối ưu trong khả năng có thể thì sẽ không có trục trặc, còn khi để xảy ra trục trặc thì để lại những hiệu ứng xã hội rất đáng buồn”, ông Quốc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, với trường hợp của cụ Trịnh Văn Bô là rất tiêu biểu. Chúng ta thường quan tâm đến nhiều đối tượng như anh hùng trong chiến tranh, các nhà hoạt động chính trị, các nhà cách mạng. Còn kiểu người có đóng góp như cụ Trịnh Văn Bô là rất hiếm, do đó nên ưu tiên khi đặt tên đường.

“Đã đặt tên đường nên đặt là “ông bà Trịnh Văn Bô”, chúng ta đừng quên vai trò của cụ bà, nhất là theo nhận thức truyền thống “của chồng công vợ”. Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ có đóng góp rất tiêu biểu chứ không phải riêng cụ ông Trịnh Văn Bô. Cả hai người đều có đóng góp tiêu biểu, khi tôn vinh họ cần đặt tên đường là “ông bà Trịnh Văn Bô”, tôi nghĩ như vậy là thích hợp, còn không nhất thiết phải đặt tên hai con đường mang tên của cụ ông, cụ bà”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Báo chí đặt câu hỏi, đây không phải là lần đầu tiên hoãn đặt tên đường cụ Trịnh Văn Bô, trước đây, Hà Nội cũng đã dự định đặt tên cụ Bô nhưng không thành, ông Quốc cho rằng: "Đây là vấn đề của xã hội nên thành phố cũng cần có chủ kiến riêng và tham khảo ý kiến của gia đình. Tuy nhiên, việc tham khảo không có nghĩa, gia đình có mong muốn gì cũng đáp ứng cả mà phải từ rất thực tế".

Như Dân Việt thông tin, các đơn vị liên quan của Hà Nội đã có buổi làm việc, thẩm tra tờ trình, dự thảo nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố năm 2017.

Nội dung tờ trình dự thảo Nghị quyết được nêu ra tại cuộc họp cho thấy chỉ còn 19 đường phố mới thay vì con số 20 như đưa ra lấy ý kiến trước đó. Tên đường phố được đưa ra khỏi tờ trình là trường hợp của nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người đã hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ năm 1945.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội lý giải: "Do chưa đạt được thống nhất với gia đình nên tuyến phố mang dự kiến đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô bị hoãn lại, không trình HĐND thông qua vào đầu tháng 12 tới".

Ông Trịnh Cần Chính (con trai cụ Trịnh Văn Bô) cho biết, năm 2016, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội đã có ý định đặt tên Trịnh Văn Bô cho một con phố ở quận Cầu Giấy, con phố này kéo dài từ Nguyễn Văn Huyên ra đường Cầu Giấy nhưng sau đó bị thay thế bởi con phố mới tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

Ông Chính cho rằng phố mới này không xứng đáng với nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Gia đình sẽ làm việc với Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hà Nội để thống nhất lại.

Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) là doanh nhân nổi tiếng giàu có tại Hà Nội đầu thế kỷ 20. Mùa thu năm 1945, gia đình ông đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.

Ông Trịnh Văn Bô mất năm 1988, thọ 74 tuổi. Vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ vừa mất ngày 5.11.2017, thọ 104 tuổi, tang lễ được tổ chức theo nghi thức cấp cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem