Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách trả lời phỏng vấn của VnExpress.
Chính phủ vừa công bố 9 địa phương có 58 trường hợp bổ nhiệm cán bộ là người nhà, trong đó nhiều trường hợp sai quy định. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Hiện chưa có quy định cấm bổ nhiệm người nhà, nhưng việc này diễn ra khá phổ biến. Vì sao người dân bức xúc? Vì sao Nghị quyết Trung ương 4, khoá 12 phải nêu 27 biểu hiện suy thoái? Rõ ràng là đang có chuyện cơ chế bị lạm dụng để đưa người nhà vào làm cán bộ, mà người nhà đó không đủ tiêu chuẩn, không làm được việc khiến dư luận bất bình.
Theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên là gì?
- Một là cơ chế lựa chọn nhân sự ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa minh bạch, chưa xác lập được tiêu chuẩn cho từng chức danh. Một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tùy tiện lựa chọn, hoặc điều chỉnh tiêu chuẩn cho phù hợp với người nhà, người thân. Thậm chí, có những nơi hạ tiêu chuẩn xuống, ví dụ giám đốc bệnh viện tiêu chuẩn phải cao cấp lý luận chính trị, đại học chính quy, nhưng họ ban hành văn bản hạ điều kiện xuống để "cài cắm".
Hai là, trong công tác cán bộ thì phiếu thăm dò để lấy chỉ số tín nhiệm chỉ là kênh tham khảo, người có thẩm quyền bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Tuy nhiên, hiện thẩm quyền bổ nhiệm không gắn với trách nhiệm. Đến khi việc đưa người nhà vào vị trí vỡ lở thì đổ thừa cho "tập thể lựa chọn, người khác tiến cử con tôi chứ đâu phải tôi chọn". Kẽ hở này phải được rào chặt lại bằng cách quy định rõ chỉ số tín nhiệm chỉ là kênh tham khảo.
Ông có đề xuất nào để ngăn chặn việc bổ nhiệm người nhà không đủ tiêu chuẩn?
- Tôi cho rằng, cả người tiến cử lẫn người ra quyết định bổ nhiệm đều phải chịu trách nhiệm nếu nhân sự họ đưa vào không xứng đáng; sau đó mới truy cứu đến trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan.
Nếu quy được trách nhiệm cụ thể thì người ký sẽ phải cân nhắc việc bổ nhiệm người thực tài hay không. Vấn đề gốc rễ ở đây là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nếu anh bổ nhiệm sai thì kể cả khi về hưu cũng phải quy trách nhiệm. Như vậy quan chức sẽ không dám ký bổ nhiệm người không có thực tài, kể cả đó là con mình.
Từ kỳ trước tôi và một số đại biểu nêu ý kiến phải đưa vào luật hình sự tội tham nhũng quyền lực. Những vi phạm này đã đến mức phải dùng đến luật hình. Đợi đến lúc họ về hưu thì truy cứu cái gì? Chỉ tước bỏ chức vụ trong quá khứ ư? Không đủ sức răn đe!
Như ông nói ở trên, luật không cấm bổ nhiệm người nhà. Với những trường hợp người nhà đủ năng lực và tiêu chuẩn, thậm chí xuất sắc hơn người ngoài thì ông nghĩ sao?
- Tôi không phủ nhận là "hậu duệ" có những người giỏi. Ví dụ ông bố giỏi thì con sẽ được thừa hưởng gen quý, kế thừa truyền thống và nền tảng gia đình về lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm, liêm sỉ.
Nhưng lại có rất nhiều trường hợp chọn người nhà mà không chọn người tài, bổ nhiệm bất chấp quy định, như việc bổ nhiệm con bị động kinh làm phó khoa một bệnh viện ở Đồng Tháp. Như vậy là thiếu lòng tự trọng. Gần đây tôi hay nghe mọi người nói "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ", không nhắc gì đến "trí tuệ". Đây là điều đáng báo động.
Như vậy theo ông cần có bộ tiêu chí đánh giá để soi rọi vào từng trường hợp được bổ nhiệm?
- Đúng vậy. Tiêu chuẩn dễ nhận thấy nhất là khả năng hoàn thành công việc ở vị trí trước khi được bổ nhiệm. Nếu bổ nhiệm chỉ căn cứ vào phiếu tín nhiệm, mà tín nhiệm bằng cách "bỏ phiếu gầm bàn", bỏ phiếu sau đó tắt điện kiểm phiếu, vác thùng phiếu đi nơi khác kiểm..., đủ loại gian lận như vậy thì làm sao chính xác?
Tiếp theo, cần có tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, chất lượng lãnh đạo sau khi tiếp nhận vị trí mới. Đó là ý tưởng trong công tác điều hành, có khởi xướng được chính sách mới hay không. Lãnh đạo mà để cấp dưới chuẩn bị rồi lên sửa câu, sửa chữ thì không được. Lãnh đạo phải dẫn đường, chủ trì và phát triển chủ trương, chính sách. Từ đó, tổ chức và dư luận sẽ đánh giá tác động từ lĩnh vực anh lãnh đạo mang lại hiệu quả gì? Ví dụ anh làm trưởng phòng nông nghiệp thì kinh tế nông nghiệp địa phương có thay đổi gì không, chất lượng thế nào, có đột phá không? Đấy là những cái đo đếm được.
Khi có công thức chung để sàng lọc cán bộ thì không còn phải suy nghĩ là người nhà, người thân, hay người dưng. Ai tài thì được chọn. Chính vì không có quy chuẩn nên mới bị lợi dụng đưa người nhà, người thân không đủ năng lực vào mà vẫn giải thích là đúng quy trình. Trong khi đó quy trình chỉ là đúng các bước, còn tiêu chuẩn do họ đặt ra.
Ông suy nghĩ thế nào về đề xuất quy định cấm bổ nhiệm người nhà của lãnh đạo vào một số chức danh?
- Luật cán bộ công chức có quy định một số vị trí, ví dụ hai người là vợ chồng không thể một người làm thủ trưởng, một người làm kế toán hay phụ trách công tác tổ chức, vì những vị trí này dễ thông đồng với nhau. Tuy nhiên, chưa có quy định ở vị trí khác. Nhưng theo tôi không cần quy định. Vấn đề là đặt ra bộ tiêu chí minh bạch, đánh giá năng lực công tâm, khách quan.
Quy định cụ thể và chế tài rõ ràng sẽ khiến những ai có ý định mua quan bán chức sợ mà không dám làm, những ai lạm dụng quyền lực sợ mà không dám bổ nhiệm, những người tài hèn đức mọn sợ mà không dám tiếp cận cái ghế đó. Như ở Singapore, nhiều người không dám mơ tưởng đến chức vụ vì nền chính trị của họ minh bạch, công cụ pháp luật để trừng trị tiêu cực trong nhân sự rất tốt, hệ thống đó sẽ chọn được người tài.
Công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Cụ thể, 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lăk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên Môi trường Bình Định có 6 phó giám đốc Sở. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.
(Nguồn: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội)
|
P.V (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.