ĐBSCL: Bất an lưới điện nông thôn

Thứ sáu, ngày 07/01/2011 20:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân nông thôn trong vùng sử dụng điện rất tùy tiện từ việc kéo điện ra vườn cây ăn trái, ao tôm đến dùng điện bắt cá, bẫy chuột dẫn đến chết người. Mỗi năm có hàng trăm vụ điện giật chết người xảy ra ở nông thôn vùng ĐBSCL.
Bình luận 0
img
Hệ thống điện ở nông thôn cho thấy bất an. Ảnh chụp tại xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, Hậu Giang.

Người chết oan

Ở khu vực ĐBSCL mỗi vụ lúa, chuột thường xuyên cắn phá với diện tích rất lớn. Nông dân dùng rất nhiều biện pháp để săn bắt, giết chuột như: Dùng bẫy lồng, thuốc chuột, keo dính chuột và biện pháp rất nguy hiểm là dùng điện để diệt chuột. Cách làm này không được cho phép vì rất nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng nông dân vẫn thường xuyên sử dụng. Từ đó có rất nhiều cái chết thương tâm do dùng điện bẫy chuột.

Đầu năm 2010 ông Nguyễn Thành Long ở ấp Hưng Đông Thạnh, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã dùng điện bẫy chuột ở 3 công ruộng bị chuột phá hoại sau nhà. Ông Long dùng dây chì giăng xung quanh ruộng cách mặt nước khoảng 3-4 cm sau đó kéo điện từ trong nhà ra để mắc vào. Thời gian ông Long mắc điện thường xuyên vào buổi tối. Tối 1-1-2010, ông Nguyễn Tấn Tài dùng đèn đi ra ruộng soi nhái thì bị điện giật chết.

Mới đây tại ấp Hòa Bình, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp xảy ra vụ dùng điện bẫy chuột dẫn đến chết người. Nạn nhân là Nguyễn Út Mười ngụ ấp Tân Hòa Đông, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò. Theo CQĐT, ông Phạm Minh Tâm ở ấp Hòa Bình, xã Long Thắng có nuôi 20 con vịt. Do vịt bị chuột ăn nên ông Tâm nhiều lần dùng điện để bẫy chuột vào ban đêm. Vì vậy đã xảy ra vụ bị điện giật chết thương tâm. Hay trường hợp của Nguyễn Trường An, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bị điện giật chết khi ra đồng soi ếch vào năm 2008.

Vào ngày 2-11, tại ấp Hòa Lý, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, anh Lê Thanh Hạt bị điện giật chết do bất cẩn. Ngày hôm đó do trời mưa to khiến đường dây điện kéo từ ngoài vào nhà bị thấp xuống nên anh Hạt ra đỡ lên cao cho khỏi vướng. Thấy có lớp tróc ở dây điện, anh Hạt dùng băng keo quấn lại thì bất ngờ bị điện giật ngã xuống đất và chết trên đường đến bệnh viện.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 2 năm, xã Ngọc Tố có 4 trường hợp bị điện giật chết do bất cẩn. Ông Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố cho biết: “Do toàn xã có đến 2.100ha nuôi tôm sú nên có hàng nghìn hộ dân cũng kéo dây điện ra ao tôm để thắp sáng, bơm nước. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, giáo dục người dân có ý thức trong sử dụng điện nhưng tai nạn vẫn không hề giảm”.

Chồng chéo quản lý

Lưới điện không an toàn, cơ quan chức năng đều biết nhưng lâu nay vẫn chưa khắc phục được. Ông Lê Chí Công - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết: “Từ khi có Luật Điện lực, các HTX điện trên địa bàn đang chuyển dần cho ngành điện quản lý để đảm bảo lưới điện, đảm bảo an toàn cho người dân ở nông thôn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải có thời gian mới thực hiện được”.

Tại TP. Cần Thơ lưới điện nông thôn trong thời gian qua đã được đầu tư rất lớn nhưng vẫn còn tình trạng thiếu an toàn, nhiều hộ dân vẫn sử dụng điện câu móc, các khu dân cư tự phát ở vùng sâu, vùng xa. Theo thông tin từ Sở Công Thương TP.Cần Thơ, hiện nay người dân nông thôn có điện sử dụng chiếm 99,1% nhưng số hộ sử dụng điện an toàn chỉ chiếm 98,5%.

Trong 5 năm qua, TP.Cần Thơ đã trích từ ngân sách đầu tư 90 tỷ đồng cho lưới điện nông thôn. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân nông thôn sử dụng điện không an toàn vẫn còn chiếm số lượng lớn. Ông Dương Nghĩa Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết: “ Hiện tại trên địa bàn TP.Cần thơ đang chuyển quản lý từ HTX điện sang ngành điện lực nhưng dự kiến đến cuối năm mới hoàn thành.

Hiện nay đang thực hiện công tác kiểm kê, hoàn vốn cho HTX để ngành điện quản lý. Vì vậy lưới điện xuống cấp, không an toàn cần phải có thời gian dài ngành điện lực mới tiếp quản, cải tạo, nâng cấp được”. Trong lúc đó người dân nông thôn rất bức xúc khi phải sử dụng điện không an toàn, tai nạn luôn rình rập.

Tỉnh Hậu Giang là 1 trong những địa phương ở ĐBSCL có số lượng HTX điện chưa chuyển đổi nhiều nhất với 9 HTX. Do còn nhiều HTX quản lý lưới điện nông thôn nên công tác bảo dưỡng, phát quang gặp rất nhiều khó khăn. Các HTX không đủ năng lực và cơ sở vật chất để cung cấp lưới điện cho người dân nông thôn sử dụng.

Lưới điện được đầu tư đã lâu nên xuống cấp. Ông Lê Chí Công – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết: “Hiện tỉ lệ hộ dân có điện sử dụng ở nông thôn chỉ chiếm 93%, trong đó hộ dân sử dụng điện không an toàn chiếm số lượng lớn hầu hết là ở vùng sâu, vùng xa và điện câu móc.

Để giải quyết tình trạng này thì phải chuyển đổi hình thức quản lý từ HTX sang ngành điện lực để có đủ năng lực và cơ sở vật chất cải tạo lưới điện, giúp người dân có điện an toàn để sử dụng. Tuy nhiên cần có thời gian và lộ trình tiếp nhận mới thực hiện được vì lưới điện do HTX quản lý ở Hậu Giang còn chiếm số lượng rất lớn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem