ĐBSCL sẽ ngập nước 6-8 tháng/năm

Thứ ba, ngày 16/11/2010 07:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học nhận định như vậy bên lề cuộc hội thảo cấp cao “Kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu cho ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Bình luận 0
img
Một đoạn đê biển Trà Vinh bị sóng đánh tan. Ảnh: Minh Phương

Theo Thứ trưởng, biến đổi khí hậu đã hiện diện ở ĐBSCL chưa, nó đã tác động như thế nào?

- Tác động của biến đổi khí hậu đã hiện diện không chỉ ở ĐBSCL mà còn trên khắp cả nước, có thể thấy qua việc triều cường gây ngập nặng ở TP.HCM mấy năm qua; rồi các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng… bị xâm nhập mặn, đến nỗi ở nhiều vùng không có nước ngọt để uống.

ĐBSCL rồi sẽ bị tổn thương ngày càng nặng trước biến đổi khí hậu, vì 93% diện tích thấp hơn mực nước biển, có 840km bờ biển, kênh rạch chằng chịt sẽ bị tác động rất mạnh từ chuyện nước biển dâng. Các đập thủy điện ở thượng nguồn góp phần tác động đến dòng chảy làm giảm phù sa, tạo ra những diễn biến khó lường ở lòng sông. Cấp nước dường như có vẻ thuận lợi hơn nhưng vấn đề xâm nhập mặn gay gắt hơn, tiêu thoát lũ là vô cùng khó khăn; lũ sẽ lớn hơn, mùa kiệt sẽ kiệt hơn; mưa sẽ bất thường hơn.

Theo kịch bản mà Bộ đưa ra, thời gian ngập úng ở ĐBSCL có thể kéo dài từ 4 - 5 tháng, 38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn, sẽ có 8,5 triệu người ở ĐBSCL bị mất nhà ở. Bộ đã tính toán đến năm 2020, ĐBSCL sẽ ngập từ 6-8 tháng.

Vậy những giải pháp nào để hạn chế thiệt hại mà Bộ đã tính toán đến?

- Nguy cơ đã tiềm tàng đối với ĐBSCL, nếu bị nước biển tấn công mạnh lại càng nguy hiểm trong khi hiện trạng vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập phải giải quyết ngay. Giải quyết về triều cường không có cách gì khác là xây dựng đê biển, đê sông để ngăn nước và đặc biệt vấn đề trồng rừng chống xói mòn. Để thoát nước thì phải bố trí bơm nhưng quy mô nào thì phải bàn tiếp. Thực tế thì nông dân cũng đã làm rồi. Còn xử lý mặn nằm ở vấn đề cấp nước và ngăn mặn.

Dĩ nhiên, sự thân thiện với môi trường, bảo tồn tài nguyên để phát triển bền vững là giải pháp hữu hiệu. Và để có kế hoạch hành động khả thi, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp lãnh đạo, các nhà khoa học, các ban ngành có liên quan, trong đó, chính quyền đóng vai trò chủ đạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem