Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký vào bản cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự toàn thể người dân Đồng Tâm.
Thưa ông, trong bản cam kết của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung có hứa "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm". Có ý kiến cho rằng tuy cam kết nói không truy cứu toàn thể người dân Đồng Tâm nhưng cơ quan chức năng có thể vẫn xử lý vài trường hợp, ông nghĩ sao?
- Thực ra đó là suy nghĩ theo kiểu soi xét câu chữ, tôi nghĩ và hy vọng cơ quan chức năng sẽ không xử lý hình sự người dân Đồng Tâm nào trong vụ việc căng thẳng vừa qua.
Nhìn vào bản cam kết, ông Nguyễn Đức Chung là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nghĩa là ông đứng đầu khối hành chính, hành pháp của thành phố mà lại cam kết sang cả lĩnh vực tư pháp là điều tốt đẹp cho dân.
Khi một người lãnh đạo muốn tháo gỡ điểm nóng trong xã hội, họ phải cần sử dụng nhiều biện pháp. Ở những vụ việc "dầu sôi, lửa bỏng", làm sao giải quyết thành công, giải tỏa điểm nóng là điều tối quan trọng và ưu tiên hàng đầu.
Bản cam kết này có điều khoản không truy cứu trách nhiệm toàn bộ người dân Đồng Tâm, mà sau đó một thời gian cơ quan chức năng TP vẫn xử lý vài trường hợp. Như vậy sẽ làm mất uy tín của cá nhân ông Chung và của Nhà nước đối với nhân dân.
Qua cách xử lý nhiều vụ việc nóng, tôi cho rằng ông Nguyễn Đức Chung đang có uy tín cao trong nhân dân và không dễ gì để ông lại xử lý một cách thiếu nhất quán như vậy.
Cũng cần phải hiểu, ông Chung cam kết với người dân Đồng Tâm không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách một Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Nếu như sau này cơ quan chức năng có xử lý hình sự một trường hợp, rồi viện lý do Chủ tịch nói không truy cứu toàn bộ chứ có chỉ đích danh là không truy cứu ai thì dư luận sẽ đánh giá lời hứa của quan chức không có giá trị, người dân sẽ mất niềm tin.
Đông đảo người dân Đồng Tâm chứng kiến việc thả 19 cán bộ, chiến sĩ bị giữ.
Trong vụ việc căng thẳng ở Đồng Tâm, thực tế là một số người dân đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Theo ông cần phải vận dụng quy định pháp luật thế nào để lời hứa của Chủ tịch Chung được đảm bảo, nhưng mặt khác vẫn giữ được sự nghiêm minh của pháp luật?
- Có thể nói sau buổi đối thoại của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm, bước đầu đã có những tín hiệu, kết quả tốt đẹp cho cả hai phía.
Để giữ được tính tôn nghiêm của pháp luật, vừa giữ được lời hứa của người lãnh đạo trước nhân dân, khi xử lý vụ việc này cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án, sau đó vận dụng điều 25 Bộ luật hình sự để xử lý.
Điều luật này quy định: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Như vậy, người được miễn trách nhiệm hình sự là người có hành vi phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nhất định chứ không phải người không phạm tội. Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án áp dụng tùy theo từng giai đoạn của vụ án.
Theo tôi nghĩ đó cách làm giữ được sự tôn nghiêm của pháp luật và không bị người dân, dư luận phản đối.
Điểm nóng ở Đồng Tâm được giải quyết thành công bước đầu. Theo ông bài học từ vụ việc Đồng Tâm là gì?
- Tôi nghĩ đây là vấn đề "đau đầu" của chính quyền. Khi vấn đề thu hồi đất vẫn tiếp tục diễn ra, những khúc mắc, khiếu kiện, bức xúc của người dân không được chính quyền giải quyết kịp thời, thỏa đáng, họ sẽ lấy sự việc ở Đồng Tâm như một cái cớ tạo sức ép lên chính quyền.
Tuy nhiên, sự việc ở Đồng Tâm cũng có mặt tích cực của nó. Đó là chính quyền địa phương hiểu được rằng, trong công tác thu hồi đất đai, để tạo được sự đồng thuận của nhân dân, chính quyền phải làm kỹ hơn ở các khâu, các công tác quan trọng như giải quyết khiếu nại, vận động thuyết phục nhân dân… Nếu không làm tốt các khâu này, sẽ khó loại trừ những vụ việc tương tự Đồng Tâm.
- Xin cảm ơn luật sư (!)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.