“Đế chế” Đặng Thành Tâm: Sau suy tàn có hồi sinh thực sự?
“Đế chế” Đặng Thành Tâm: Sau suy tàn có hồi sinh thực sự?
Quang Dân
Thứ năm, ngày 12/08/2021 11:30 AM (GMT+7)
Từng suy tàn đến mức “muốn tự tử” nhưng bản thân ông Đặng Thành Tâm và “đế chế” Kinh Bắc của mình đang dần hồi sinh. Tuy nhiên, Kinh Bắc có thực sự hồi sinh không khi mà nợ vay tăng vọt.
Ai là đại gia Việt nhiều thăng trầm nhất? Sẽ khó có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, cái tên Đặng Thành Tâm nhiều khả năng sẽ "lọt Top" vì ông đã có thời điểm "xuống đáy" đến mức "muốn tự tử".
Ông Đặng Thành Tâm là vị doanh nhân nức tiếng. Ông tham gia nhiều lĩnh vực nhưng tên tuổi của ông gắn liền với Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC). Ngoài ra, ông còn là cổ đông và người có ảnh hưởng tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT),…
Năm 2007, ông được tôn vinh là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trước đây, KBC, ITA là những cổ phiếu được chú ý bậc nhất tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Tuy nhiên, khi cổ phiếu ngân hàng trở thành cổ phiếu vua, ông Tâm cũng dấn thấn vào lĩnh vực tài chính. Hai cái tên được nhắc nhiều khi nói về ông Tâm đó là Navibank và Western Bank. Đó là khởi nguồn cho sự suy tàn của vị đại gia ngành bất động sản công nghiệp.
Khi khủng hoảng tài chính nổ ra, KBC lún sâu. Ông Tâm từng tâm sự, KBC không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Áp lực lớn đến mức có lúc ông "muốn tự tử". Và ông Tâm gây sốc khi xuất hiện với mái tóc bạc phơ, tiều tuỵ.
Hồi sinh nhờ làn sóng "dịch chuyển"
Thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Thế nhưng, đứng ở góc độ bất động sản công nghiệp, Kinh Bắc và ông Đặng Thành Tâm là những người được hưởng lợi.
Giữa đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt tình hình và tăng trưởng dương. Chính vì vậy, dòng vốn FDI càng quyết tâm chuyển hướng tới Việt Nam. Thực ra, trước Covid-19, khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, thế giới đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp FDI khổng lồ quyết định chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Kết quả là chỉ trong hơn 1,5 năm qua, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam trở thành điểm nóng về phát triển. Các doanh nghiệp ngành này liên tục đón nhận tin vui, nhờ đó lợi nhuận và giá cổ phiếu bùng nổ. KBC không thể nằm ngoài xu hướng này.
Đóng cửa phiên giao dịch 11/8, KBC dừng ở mức 34.400 đồng/cổ phiếu nhưng trước đó vào ngày 28/6/2021, KBC đã lập đỉnh 40.150 đồng/cổ phiếu, tăng 24.700 đồng/cổ phiếu, tương đương 160% so với phiên cuối cùng của năm 2019.
Kết quả này có được do KBC đang bay cao nhờ số lượng doanh nghiệp thuê khu công nghiệp và giá thuê tăng cao. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 của KBC lên tới 70,6 tỷ đồng, tăng 59,7 tỷ đồng, tương đương 458% so với quý 2/2020, luỹ kế 6 tháng đầu năm tăng vọt từ 105 tỷ đồng lên 785 tỷ đồng.
Ông Đặng Thành Tâm tự tin tới mức phát biểu "Ai bỏ Kinh Bắc sau này sẽ ân hận" tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Kinh Bắc.
Trở về "vết xe đổ"?
"Gót chân Achilles" trước đây của Kinh Bắc là gánh nợ nần vì đầu tư vào ngân hàng. Tới khi không được ngân hàng rót vốn, Kinh Bắc rơi vào cảnh "chết lâm sàng". Hiện tại, cánh cửa nhà băng đã mở cửa trở lại cho ông lớn bất động sản công nghiệp đầu tư nhà xưởng "đón đại bàng".
Tuy nhiên, phải chăng, Kinh Bắc lại trở về "vết xe đổ" ngày xưa khi nợ nần đang có xu hướng tăng vọt.
Trong 1,5 năm qua, nhờ hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, Kinh Bắc không ngừng đầu tư. Vì vậy, nợ nần tại Tổng công ty này tăng rất mạnh.
Tại thời điểm 30/6, tổng nợ phải trả tại KBC lên đến 15.119 tỷ đồng, tăng 9.067 tỷ đồng, tương đương 150% so với cuối năm 2019. Trong đó, tổng nợ vay đạt 7.491 tỷ đồng.
Nợ vay lớn khiến KBC phải trích nhiều ngân sách để trả lãi. Trong quý 2/2021, chi phí lãi vay tăng vọt từ 42 tỷ đồng lên 157 tỷ đồng, cao gấp đôi lợi nhuận sau thuế. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn suýt đạt 2.000 tỷ đồng.
Để nhận được một số khoản tín dụng, KBC đã phải thế chấp toàn bộ dự án Tràng Cát, Nhà xưởng nhà văn phòng gắn liền với đất tại khu công nghiệp Quế Võ và khu công nghiệp Quang Châu, hàng trăm ha tại các khu Công nghiệp Nam Sơn, Hạp Lĩnh, Khu đô thị Phúc Ninh… Lãi suất các khoản vay dao động từ 9,5% đến 11%.
"Đảo tiền" trong "hệ sinh thái" Đặng Thành Tâm
Không chỉ vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, KBC còn có quan hệ về tiền chặt chẽ với các công ty trong "hệ sinh thái" của ông Đặng Thành Tâm.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 2/2021, KBC có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn trị giá hơn 675 tỷ đồng với Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), tăng mạnh so với con số 275 tỷ đồng hồi cuối quý 1/2021.
Ngoài ra, KBC còn có phải thu khác về cho vay dài hạn lên đến 599,5 tỷ đồng tại SGT. Tổng phải thu về cho vay SGT lên đến 1.274,5 tỷ đồng. Khoản vay này thậm chí còn cao hơn vốn chủ sở hữu SGT.
Còn với công ty mẹ - Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn, công ty cổ phần dịch vụ Kinh Bắc, KBC có khoản phải thu khác lên đến 583 tỷ đồng và 249 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn khoản phải thu về hợp tác kinh doanh trị giá 40 tỷ đồng. SGT và SGT Chi nhánh Bắc Ninh cũng cần phải trả KBC 2,6 tỷ đồng tiền lãi vay.
Ở chiều ngược lại, KBC cũng tích cực đi vay. KBC còn có hai khoản vay tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng khu công nghệ cao Sài Gòn trị giá 19 tỷ đồng và 30 tỷ đồng; vay dài hạn Công ty TNHH Saigontel Long An gần 113 tỷ đồng.
Hồi tháng 5 vừa qua, ban lãnh đạo Kinh Bắc đã quyết định vay 1.080 tỷ đồng và là vay tín chấp không có tài sản bảo đảm từ công ty con, Công ty Phát triển Hưng Yên để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khoản vay này đúng bằng số vốn mà Kinh Bắc đã góp vào Công ty Phát triển Hưng Yên khi tiến hành thành lập doanh nghiệp này vào giữa tháng 2 vừa qua.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của KBC không nhắc đến khoản vay này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.