Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 3, nhằm đảm bảo nguồn lương thực, nước uống cho người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu gồm mỳ, cháo ăn liền, lương khô, nước uống, nến thắp sáng, thực phẩm đóng hộp, sữa, gạo…
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội dự trữ hơn 5,2 triệu gói mỳ, cháo ăn liền, hơn 78.900 bình nước sạch loại 19 lít/bình, hơn 2,6 triệu chai nước loại 0,5 lít và 1,5 lít, 750.000 nến thắp sáng, thực phẩm đóng hộp hơn 1,7 triệu hộp, sữa uống hộp giấy hơn 1,7 triệu hộp, 105.000 kg gạo ăn… Với tổng trị giá lượng hàng dự trữ phòng chống bão lụt 94 tỷ đồng.
Người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nhận hàng hàng cứu trợ trong trận lũ, lụt lịch sử năm 2018. (Ảnh: T.An)
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, lượng hàng hóa này đảm bảo nhu cầu tối thiểu của 250.000 dân trong thời gian 7 ngày.
Nguồn kinh phí dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Hà Nội do Doanh nghiệp tự chủ nguồn vốn.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội dự trữ 6 nhóm hàng bình ổn giá gồm 29.200 tấn lương thực, 7.000 tấn thịt lợn, 1.800 tấn thịt gia cầm, 33 triệu quả trứng gia cầm, 2,1 triệu lít dầu ăn, 29.400 tấn rau củ tươi… với tổng giá trị hàng hóa lên đến 1.510 tỷ đồng.
Theo báo cáo của của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội, sáng ngày 3/8 cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội đã có mưa diện rộng, kéo dài.
Cụ thể, lượng mưa lớn nhất đo được tại Láng là 39,6mm; lượng mưa nhỏ nhất đo được tại thị xã Sơn Tây là 10,6mm.
Bản tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ sáng 3/8 nhận định, từ nay đến ngày 4/8, Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa, mưa vừa mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông khả năng xảy ra gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của mưa kéo dài những ngày qua, mực nước trên các sông chính như: Đà, Hồng, Đuống, Đáy, Cầu, Cà Lồ, Tích… đều lên.
Tuy nhiên, mực nước trên tất cả các sông qua địa bàn Hà Nội đều đang dưới báo động 1 từ 4 - 16m. Tương tự, mực nước các hồ chứa thuỷ lợi cũng chưa vượt mức thiết kế.
Đáng chú ý, mưa kéo dài khiến nhiều diện tích nông nghiệp tại khu vực ngoại thành đang có mực nước lên khá cao.
Cũng trong sáng nay (3/8), các doanh nghiệp thuỷ lợi của Hà Nội vẫn đang tiếp tục vận hành 11 trạm bơm với 34 tổ máy bơm các loại (chủ yếu trên lưu vực sông Nhuệ), tổng lưu lượng 65.500m3/h, phục vụ công tác tiêu úng.
Báo cáo cũng cho biết, bước đầu đã ghi nhận thiệt hại về đê điều do bão gây ra. Theo đó, 1 sự cố đê điều xảy ra tại huyện Thường Tín.
Cụ thể, tại vị trí K94+300 đến K94+500 đê hữ Hồng thuộc xã Tự Nhiên đã xảy ra sự cố sạt lở cách đê sông Hồng 500m và cách chân đê bối xã Tự Nhiên 120m. Chiều dài sạt lở khoảng 140m tại 3 vị trí, tạo thành vách dựng đứng có chiều cao từ 3 - 5m. Trong đó, có 1 vị trí sạt lở sát vào móng công trình phụ của 1 hộ dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.