Để tăng nguồn thu, TP.HCM tính giải pháp đẩy nhanh đấu giá nhà đất

Quốc Hải Thứ tư, ngày 20/10/2021 20:25 PM (GMT+7)
Trong 5 nhóm giải pháp để tăng thu ngân sách, nhóm giải pháp đấu giá nhà đất dôi dư trên địa bàn thành phố được đánh giá là giúp có nguồn thu sớm nhất để phục hồi kinh tế. Theo các chuyên gia, cần tính tới cả việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản (BĐS), vì nguồn thu ở lĩnh vực này rất “khủng”…
Bình luận 0

Hàng chục nghìn tỷ đồng từ đấu giá nhà, đất

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết, TP còn 13 dự án có thể giao đất thu tiền sử dụng đất trong năm 2021.

Ngoài ra, còn 4 khu đất có thể bán đấu giá. Ước tính, ngân sách của TP.HCM có thể thu được 21.000 tỷ đồng từ nguồn thu này.

Để tăng nguồn thu, TP.HCM tính giải pháp đẩy nhanh đấu giá nhà đất  - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ đẩy nhanh đấu giá nhà, đất do TP quản lý để tăng thu ngân sách - Ảnh: cafeland

Đối với nhà công, đất công do các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP.HCM đang quản lý, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, hiện nay thành phố còn hơn 400 địa chỉ nhà đất.

"Tuy nhiên, qua rà soát thì còn hơn 70 địa chỉ nhà đất có thể bán đấu giá quyền sử dụng đất. Vì vậy, đề nghị các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá để nhanh chóng tăng nguồn thu để phát triển và phục hồi kinh tế" - bà Hà nói.

Trong khi đó,  Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, hiện nay lượng hồ sơ mua bán tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP.HCM khá lớn.

Để tăng nguồn thu, TP.HCM tính giải pháp đẩy nhanh đấu giá nhà đất  - Ảnh 2.

Việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án BĐS cũng là giải pháp để tăng nguồn thu ngân sách - Ảnh: Duy Quang

Dự báo từ đây đến cuối năm, có hơn 95.000 hồ sơ cần giải quyết. Dự kiến thu thuế khoảng 3.000 tỷ đồng từ hoạt động mua bán tài sản gắn liền với đất này. Ngoài ra, liên quan đến đấu giá có 2 nhóm, đó là 4 lô đất đã được TP.HCM duyệt với giá khởi điểm là 5.300 tỷ đồng. Đối với quỹ nhà 3.790 căn, HĐND TP.HCM đã thông qua mức giá 14.738 tỷ đồng.

"Dự kiến tháng 12/2021, TP sẽ đấu giá để có nguồn thu từ quỹ nhà này. Bên cạnh đó, Sở TN-MT đang rà soát lại có 28 dự án, dự kiến thu khoảng 16.500 tỷ đồng" - ông Thắng thông tin.

Có thể thấy, giải pháp đấu giá nhà, đất công do TP quản lý để tăng nguồn thu ngân sách, tạo nguồn lực để phục hồi kinh tế đang được các nhà quản lý tính tới.

"Trong tháng 11 và tháng 12/2021, TP.HCM sẽ đấu giá 3.970 căn hộ và 8 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện kết luận của Trung ương và hoàn trả khoản tạm ứng", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nói.

Theo TS.Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM, cho rằng ngoài các giải pháp như: Kiến nghị Chính phủ xin phát hành trái phiếu đô thị kỳ hạn 10 năm và được chuyển đổi như trái phiếu Chính phủ để có nguồn vốn đầu tư, chi tiêu phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới; xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách… Đặc biệt, TP cần thiết rà soát lại quỹ đất công dôi dư để đấu giá tạo nguồn thu để phát triển và phục hồi kinh tế.

Song song đó, TP cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc đối với hàng trăm dự án BĐS trong 2 năm qua để khai thông mạnh mẽ thị trường này.

"Tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án BĐS cũng là cách để tăng thu ngân sách để phục hồi kinh tế sớm nhất" - ông Lịch lưu ý.

DN chờ "cởi trói" pháp lý để được... nộp tiền vào ngân sách

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho hay, riêng TP.HCM hiện có khoảng 173 dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, nhưng chưa được công nhận chủ đầu tư (gồm 126 dự án trong giai đoạn 2015-2018 và 47 dự án năm 2020). Nếu được tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục, công nhận chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án thì sẽ tạo được nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo ông Châu, với 173 dự án nhà ở thương mại trên đây, ước tính mỗi dự án có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, thì tổng mức đầu tư lên đến 173.000 tỷ đồng. Nếu sớm được triển khai thực hiện thì nhà nước sẽ thu thuế GTGT 10% là 17.300 tỷ đồng.

Nếu các dự án này đạt lợi nhuận 20% là 34.600 tỷ đồng thì nhà nước sẽ thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 20% là 6.920 tỷ đồng và Nhà nước còn thu thêm thuế chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản dịch vụ, thương mại khác.

Để tăng nguồn thu, TP.HCM tính giải pháp đẩy nhanh đấu giá nhà đất  - Ảnh 4.

Hiện, hàng trăm dự án ở TP.HCM đang chờ tháo gỡ pháp lý để bùng nổ sau dịch - Ảnh: Duy Quang

"Trên thực tế, có những dự án khu đô thị mới quy mô lớn tại quận 1, quận Bình Thạnh, TP.Thủ Đức, huyện Cần Giờ có tổng mức đầu tư lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đồng, cho thấy thành phố còn có thêm các nguồn thu ngân sách rất lớn. Bởi vậy, nếu điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ sẽ vừa tháo gỡ được ách tắc cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại, làm giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư, vừa tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước" - ông Châu nói thêm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - CEO Đại Phúc Land, cho hay, các vướng mắc trong vấn đề pháp lý hiện nay đang rất nan giải, chưa thể tháo gỡ trong một sớm, một chiều. Đặc biệt là Luật Đất đai 2013 đang "tắc" ở nhiều điểm.

Vì vậy, về dài hạn, nhất là giai đoạn sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, Chính phủ nên xem xét, tháo gỡ dần các điểm nghẽn pháp lý, để "cởi trói" cho thị trường bất động sản hồi phục.

"Nếu các rào cản của thị trường được giải quyết rốt ráo, quan tâm đúng cách, các trợ lực từ cơ chế, chính sách được điều chỉnh sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất sau đại dịch" - bà Hương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem