Đề thi Ngữ văn chuyên vào lớp 10 trường THPT chuyên KHXH&NV gây tranh cãi, giáo viên nói gì?

Hà My Thứ tư, ngày 15/07/2020 06:11 AM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh và những người quan tâm tới giáo dục bày tỏ ý kiến cho rằng, câu hỏi thứ 2 trong đề thi này đã "lỗi thời" và không phù hợp với học sinh lớp 9. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng nhìn chung đây là một đề thi tốt, đề khó song theo hướng mở, có khả năng phân hóa cao.
Bình luận 0

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm học 2020-2021 được ra với thời gian làm bài 150 phút. Trong đó, câu hỏi nghị luận văn học nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Đề thi cụ thể như sau: "Câu II. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: "Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh". (Theo Ý thức và thời gian, Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 9 năm 1973).

Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận về ý kiến trên."

Ngay lập tức, nhiều phụ huynh và những người quan tâm tới giáo dục bày tỏ ý kiến cho rằng câu hỏi này đã "lỗi thời" và không phù hợp với học sinh lớp 9. “Học sinh lớp 9 còn chưa hiểu thế nào là nhan sắc, là đức hạnh, các em còn thiếu trải nghiệm để có thể bày tỏ về bản chất các khái niệm trên” - một phụ huynh có con học lớp chuyên cho biết.

Đề thi Ngữ văn chuyên vào 10 trường THPT chuyên KHXH&NV gây tranh cãi, giáo viên nói gì? - Ảnh 1.

Đề thi Đề thi Ngữ văn chuyên vào 10 trường THPT chuyên KHXH&NV năm 2020 gây tranh cãi.

Nói về câu hỏi này, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đánh giá đề yêu cầu cao về vấn đề lý luận giá trị văn học và tiếp nhận văn học. Đây cũng là yêu cầu khó đối với học sinh lớp 9. Phân tích đề yêu cầu thí sinh không chỉ có kiến thức chắc chắn về các tác phẩm trong chương trình học trên lớp, mà còn phải nắm được những khái niệm cơ bản về lý luận văn học, có kỹ năng tổng hợp, so sánh.

ThS. Đặng Ngọc Khương, giáo viên ôn luyện môn Ngữ Văn tại Hà Nội nhận xét, về bố cục, đề gọn, không bị manh mún, phù hợp với thời gian 150 phút để học sinh có thể bàn sâu, bàn kĩ về vấn đề. Về hình thức các câu hỏi quen thuộc với đề thi vào các trường chuyên, lớp chuyên: Đề ra theo hướng mở, yêu cầu kết hợp cả kiến thức lý luận và trải nghiệm thực tiễn để giải quyết vấn đề.

Đề thi Ngữ văn chuyên vào 10 trường THPT chuyên KHXH&NV gây tranh cãi, giáo viên nói gì? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

"Về nội dung, câu nghị luận xã hội đặt ra được tình huống có vấn đề, khơi gợi tư duy tranh luận, phản biện (thể hiện rõ qua hình thức câu lệnh: "phải chăng..."), hạn chế được cách bàn luận, đánh giá xuôi chiều. Câu nghị luận văn học, nhận định, đánh giá liên quan đến vai trò của các yếu tố hình thức và nội dung, tư tưởng trong thơ. Cũng cần phải nói thêm, sự phân tách rạch ròi hình thức và nội dung trong thơ nói riêng và văn học nói chung không phải cũng dễ dàng và cần thiết. Đề yêu cầu bàn luận nên học sinh có thể phản biện với lý lẽ thuyết phục" - Thầy Khương nhận định.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, nguyên giáo viên Ngữ văn THCS Archimedes Academy cho rằng đối với câu nghị luận văn học, để làm tốt thí sinh trước hết phải giải thích được vấn đề, hiểu được vai trò, mối quan hệ giữa hai mặt hình thức và nội dung của tác phẩm thơ ca. Để rồi từ đó, chứng minh lời nhận định thông qua một (một số) bài thơ đã học, đã đọc. 

"Để làm được điều đó, học sinh không chỉ có kiến thức chắc chắn về các tác phẩm trong chương trình học trên lớp, còn phải nắm được những khái niệm cơ bản về lí luận văn học, có kĩ năng tổng hợp, so sánh. Nhìn chung lại, đề thi văn chuyên của chuyên KHXH và NV có khả năng phân hoá tốt, giúp chọn được những thí sinh vừa chắc kiến thức, thạo kĩ năng, đồng thời lại có năng lực cảm thụ văn chương, làm tiền đề cho quá trình học chuyên sau này" - Thầy Hùng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem