Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Lo lắng sẽ khó hơn nhiều so với năm trước

Tào Nga Thứ ba, ngày 27/06/2023 09:22 AM (GMT+7)
Năm nay hết dịch Covid-19 nên nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có mức độ khó hơn hẳn so với những năm trước.
Bình luận 0

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ thế nào?

Trong 2 ngày 28 và 29/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Thí sinh phải làm 3 bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông, hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

3 năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Bộ GDĐT đã quyết định các nội dung kiến thức được tinh giản các năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021 và 2021 - 2022 sẽ không đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, khi tình hình dịch ổn định, học sinh đã được đi học trực tiếp nên nhiều thí sinh 2k5 tham dự kỳ thi tốt nghiệp sắp tới lo lắng đề thi sẽ khó hơn nhiều.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Lo lắng sẽ khó hơn nhiều so với năm trước - Ảnh 1.

Lớp của Minh Anh những ngày cuối cùng trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC

Em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Khoa học Giáo dục, Hà Nội bày tỏ: "Nhìn đề thi các năm trước được điều chỉnh nội dung em thấy không quá khó khăn để giành điểm cao. Tuy nhiên đây cũng là điều khiến chúng em ôn thi căng thẳng hơn bởi không biết đề thi năm nay sẽ khác biệt thế nào. Em nghĩ đề thi năm nay sẽ khó hơn".

Trong kỳ thi năm nay, Minh Anh đăng ký thi 3 môn bắt buộc và tổ hợp Khoa học Xã hội. "Trong các môn thi, em tự tin nhất môn Văn vì em học tốt nhất môn này. Đợt thi thử tốt nghiệp của Sở em đạt điểm Văn cao thứ 2 của lớp. Còn môn em sợ nhất là Lịch sử vì có nhiều sự kiện em không nhớ được hết", Minh Anh nói.

Minh Anh dự định sẽ sử dụng tổ hợp môn Toán, Văn, tiếng Anh để xét tuyển vào đại học sắp tới.

Tương tự, Cao Thanh Hà, học sinh lớp 12 ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng lo lắng đề thi khó hơn và nhất là đang theo hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nữ sinh này càng căng thẳng hơn khi sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là phương thức chính để xét tuyển vào đại học.

Thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học tại Hà Nội cho biết: "Với môn Sinh học, 2 năm gần đây đã có chuyển hướng rõ rệt nhiều về nội dung kiến thức, format sau sự cố lộ đề thi tốt nghiệp. Giáo viên đọc thì rất thích bởi sự đổi mới vì ngày trước môn Sinh nặng về Toán học, bây giờ thiên về bản chất Sinh học và đưa các câu hỏi ứng dụng thực tiễn đánh giá năng lực. Thế nhưng học sinh thì cảm thấy khó khăn hơn, khó đoán được xu hướng, ý tưởng đề thi. Kết quả thi 2 năm qua cũng cho thấy, năm 2021 có 482 điểm 10 và rất nhiều điểm 9+ nhưng năm 2022 chỉ có 5 điểm 10 và số thí sinh được 9+ không nhiều. 

Đề thi minh họa cũng chỉ phản ánh một phần cấu trúc cho học sinh nắm thông tin tham khảo ôn luyện chứ không phải là căn cứ để học sinh dựa vào đó học thi".

Không chỉ lo lắng về độ khó của đề thi năm nay, theo thầy Khánh, đề thi các môn cần đảm bảo công bằng, bảo mật cao với ngân hàng câu hỏi và đặc biệt đảm bảo phân hóa với mục đích kép. Nhiều học sinh thành phố lo lắng thiệt thòi bởi sẽ khó vào các trường top đầu nếu đề không có sự phân hóa cao.

Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu

Trước lo lắng của thí sinh, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay: "Năm 2023 là năm thứ tư Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và là năm đầu tiên mối lo dịch bệnh không còn hiện hữu phức tạp như những kỳ thi trước. Mặc dù vậy, những học sinh dự thi năm nay vẫn là những học sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Lo lắng sẽ khó hơn nhiều so với năm trước - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác tổ chức thi tại Bình Dương. Ảnh: Bộ GDĐT

Ngành Giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT. Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ học sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả và tổ chức một đến nhiều đợt thi thử. Đặc biệt các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.

Như chúng ta đều biết, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Mặt khác, kết quả này cũng là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo thống kê, có khoảng trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.

Với tính chất như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển".

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 27-30/6. Trong đó, ngày 27/6, thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28, 29/6, thí sinh làm bài thi tốt nghiệp chính thức. Ngày 30/6 là ngày dự phòng cho kỳ thi.

Sau đó, công tác chấm thi diễn ra từ ngày 1/7; công bố kết quả thi vào 8h ngày 18/7, hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20/7.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem