Đề thi Văn chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên phân tích 2 từ gây tranh cãi

Tào Nga Thứ tư, ngày 24/07/2024 13:20 PM (GMT+7)
Đề thi Văn chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên vùng duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ năm 2024 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bình luận 0

Kỳ thi chọn học sinh giỏi các Trường THPT Chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc bộ năm 2024 vừa được tổ chức tại tỉnh Hải Dương. Kỳ thi thu hút 1.911 thí sinh là các em học sinh lớp 10 và 11 năm học 2023 - 2024 của 41 trường THPT chuyên trong khu vực dự thi 12 môn thi, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung.

Tuy nhiên, với đề thi Văn lớp 11 chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên vùng duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 

Đề thi Văn chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên phân tích 2 từ gây tranh cãi - Ảnh 1.

Đề thi Văn chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên vùng duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ. 

Cụ thể, đề thi Văn có nội dung như sau:

"Câu 1 Nghị luận xã hội (8,0 điểm): Ngày xưa nói: "Làm việc phải vuông, làm người phải tròn". Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về lẽ "vuông tròn" đó.

Cầu 2 Nghị luận văn học (12,0 điểm): 

Ngôn ngữ hình tròn

Sự vật hình vuông

Ngôn ngữ mềm mại lời nói nổi trôi

Sự vật góc cạnh sự vật im lìm

Mặt trời thì tròn mặt trăng viên mãn

Mặt biển thủy triều phồng lên hoang thai

Đẻ ra ngữ ngôn lang thang cuối trời

Nhà thơ thờ phụng

Thức với hoàng hôn

Đuổi bắt hình tròn

Bàn tay chới với…

Ngôn ngữ hình tròn

Sự vật hình vuông

Bài thơ Ngôn ngữ thơ của tác giả Đào Duy Hiệp gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về ngôn ngữ thơ? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của anh chị".

Nhiều ý kiến bày tỏ đề thi hay, mở bàn luận về 2 từ vuông-tròn. Đề thi sẽ giúp cho thí sinh bày tỏ những quan điểm sâu sắc của mình. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng ngữ liệu cho chưa phù hợp, gợi ý chấm lại gò bó cho học sinh.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Mai Trí Trung, giáo viên Trường THCS & THPT Lương THế Vinh, Hà Nội, bày tỏ: "Đề thi chọn học sinh giỏi nên người ra đề đã đặt ra những vấn đề giúp thí sinh tư duy sâu và kích thích sự biện giải của thí sinh. 

Vấn đề nghị luận xã hội trong câu hỏi 1 đề cập đến lẽ vuông tròn của người xưa. Đây là một vấn đề rất hay bởi vuông – tròn vốn là hai đối cực trong triết lý của ông cha ta để biểu thị sự kết hợp thuận lẽ trời và tạo kết quả tốt lành. 

Ông cha ta thường có câu "trời tròn đất vuông" (sự kết hợp về trời đất – một tổng thể hài hòa âm- dương), hay "đầu tròn gót vuông", hoặc người ta thường chúc các thai phụ "mẹ tròn con vuông", hay những cách nói trong đời sống "sống sao cho vuông tròn trước sau"… 

Tuy nhiên, câu trích dẫn của đề lại đi ngược lại triết lý tốt lành này. Mặc dù vậy cũng có thể đặt ra cách hiểu như người ra đề mong muốn nhưng nếu như thế thì trích dẫn này cần có ngữ cảnh cụ thể để định hướng thí sinh làm bài. Đối chiếu với phần hướng dẫn chấm của đề thi, có thể thấy dường như chúng ta đang quá thiên vào khái niệm "vuông" và "tròn" mà những khái niệm này thì có phần hơi áp đặt. Vậy những khái niệm như "làm việc", "làm người" có cần chú ý hay không?

Theo tôi với một đề thi học sinh giỏi và với kiểu ra đề như thế này thì đáp án cần mở hơn. Thêm nữa đã là trích dẫn thì cần cụ thể, câu nói của ai, trích dẫn ở đâu, ngữ cảnh nào thì thí sinh mới có định hướng để bàn luận".

Ở phần nghị luận văn học, đề thi đưa ra cho thí sinh bàn luận về vấn đề ngôn ngữ thơ. Bài thơ này được viết theo ngôn ngữ của ý niệm vì vậy để luận giải nó thì khá đa dạng. Cách luận giải theo hướng dẫn chấm "đặc điểm của ngôn ngữ thơ và nỗ lực của nhà thơ trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ để sáng tạo thơ ca" theo tôi chỉ là một cách mà thôi, cũng có thể hiểu dường như ngôn ngữ thơ đang bất lực trong sự diễn tả trước hiện thực cuộc đời.

Nói chung, theo tôi hướng dẫn chấm đề thi này chỉ là một cách hiểu của người ra đề. Thí sinh làm đề thi này chắc chắn sẽ có vô vàn những cách hiểu khác, vậy thì giám khảo sẽ chấm thi như thế nào? Có lẽ, dù là đề thi học sinh giỏi muốn kích thích tư duy của thí sinh, chúng ta cũng nên chọn lựa những vấn đề mang tính chuẩn xác hơn để tránh những trường hợp gây tranh luận như đề thi này".

Một giáo viên Văn có tiếng ở Hà Nội của cho rằng: "Trong bài thơ có những từ ngữ học sinh sẽ không hiểu, thiếu tính thẩm mỹ và mang tính áp đặt chủ quan".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem