Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và nước ngoài ùn ùn vào ĐBSCL thu mua loại xoài này. Tuy vậy, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang hai thị trường khó tính này và giữ được thương hiệu, nhà vườn còn nhiều việc phải làm.
Đầu ra đã rõ
Tại tỉnh Đồng Tháp, có hơn 9.000 ha, chủ yếu là xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc, được trồng theo quy mô tập trung với hàng chục hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác sản xuất xoài theo tiêu chuẩn an toàn. Ngay từ năm 2011, các HTX và tổ hợp tác trồng xoài ở vùng chuyên canh huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) liên tục đón các đoàn DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và những DN xuất khẩu trái cây trong nước đến tìm hiểu, ký hợp đồng thu mua. Diện tích ít, nên xoài cát chu có bao nhiêu cũng được bán hết. Dù vậy, HTX xoài Mỹ Xương không dám ký hợp đồng với các DN mà chỉ giao hàng cho Công ty Good Life xuất sang Nhật và một DN ở Hà Nội xuất sang Hồng Kông.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết Công ty In Jae (Hàn Quốc) đã đầu tư nhà máy chế biến xoài xuất khẩu tại đây và vì vậy lượng tiêu thụ của xoài cát chu không lo thiếu đầu ra.
Năm 2016, Hoa Kỳ và New Zealand cũng chính thức mở cửa nhập khẩu xoài cát Cao Lãnh (bao gồm cả xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc). Ở trong nước, các công ty Good Life, Yasaka, Rồng Vàng, Long Uyên, Việt Đức và Thuận Phong đã xúc tiến ký hợp đồng bao tiêu với các HTX và tổ hợp tác trồng xoài với cam kết giá cao hơn thị trường từ 2.000-5.000 đồng/kg. Một số DN đầu tư ban đầu cho nhà vườn 15 triệu đồng/ha cho năm đầu tiên đồng thời cung ứng giống cho người trồng.
Ngoài trái tươi, các DN này còn xuất khẩu xoài sấy khô và xoài đông lạnh sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Dĩ nhiên, các DN đều đề ra các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn rất cao nên các HTX không thể thu mua xoài bên ngoài để giao hàng được. Chính vì vậy, dù Đồng Tháp có sản lượng gần 100.000 tấn xoài/năm, nhưng không phải được thị trường chấp nhận hoàn toàn.
Đòi hỏi khắt khe với nhà vườn
Trước tình hình này, tỉnh Đồng Tháp cho thành lập hàng loạt tổ hợp tác xoài để tập hợp nông dân, tăng diện tích sản xuất theo quy trình an toàn đáp ứng nhu cầu của các DN.
Để có xoài cung cấp cho DN quanh năm, địa phương này đang tổ chức cho nông dân sản xuất rải vụ. Những hộ xử lý cho ra trái nghịch vụ, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ được hỗ trợ bao trái và phân bón trị giá 5 triệu đồng/ha. Đến nay đã có 200 ha xử lý ra trái nghịch vụ.
Khả năng khan hiếm xoài cát chu tăng lên khi năm 2015, Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong đã được UBND tỉnh Bến Tre chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy chế biến nông sản Thuận Phong tại Quyết định số 2789/QĐ-UBND. Địa chỉ trụ sở chính của công ty và nhà máy đặt tại ấp Long Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Sản phẩm chính của nhà máy là chế biến trái cây, rau, củ, quả xuất khẩu với tổng diện tích gần 6,5 ha, tổng vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng, công suất thiết kế 22.760 tấn sản phẩm/năm chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 chủ yếu chế biến xoài cát chu đông lạnh và giai đoạn 2 chủ yếu chế biến trái cây sấy dẻo và nước ép trái cây đóng hộp. Dự kiến vào cuối năm 2018, nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Theo ông Phạm Văn Tứ (chủ DN Thuận Phong), hiện nay DN của ông không thể mua xoài cát chu cung cấp đủ cho các đối tác. Ông phải sang tận Campuchia để đặt hàng. Nhà máy gần hoàn thành nhưng vùng nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, ông đưa ra kế hoạch bao tiêu sản phẩm và đầu tư nguồn nguyên liệu tại các huyện Thuận Phong, Bình Đại, Châu Thành. Tuy nhiên, hiện tại DN đang gặp khó bởi đòi hỏi của các nhà nhập khẩu rất khắt khe. Phải loại hẳn những hóa chất thường được nông dân bón cho xoài.
Ông Tứ cho biết, nước ngoài họ không hiểu GlobalGAP là gì, nhưng khi kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là không mua. Chính vì vậy, người trồng ngoài việc tuân thủ kỹ thuật, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc BVTV do DN đưa ra.
Để xoài cát chu đứng vững trên thị trường thế giới, điều cần thiết là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, vườn xoài được quy hoạch, có tổ dịch vụ, sổ ghi chép, dần dần chuyên môn hóa các quy trình sản xuất, cách thực hiện chuyên nghiệp. Chính quyền cần quy hoạch mở rộng quy mô hoạt động, tập trung lượng hàng hóa lớn, chất lượng hàng hóa, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, thương lái khắp mọi nơi. Mặc khác, ngoài áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP cần tuân thủ thêm những yêu cầu của các DN trong việc nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Hoàng Huy (Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.