Cô Nguyễn Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nham (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, đề xuất giáo viên tự túc kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn được truy lĩnh học phí nếu được thực thi sẽ là chính sách đãi ngộ phù hợp thực tế.
Điều này sẽ khuyến khích các thầy, cô vừa làm việc vừa tham gia học bồi dưỡng để nâng chuẩn bằng cấp cho phù hợp với yêu cầu. Mong các ban, ngành chức năng sẽ xem xét, cân nhắc để có phương án hỗ trợ cho giáo viên khi học nâng chuẩn nghề nghiệp.
Cô Ngân dẫn giải, nhiều giáo viên có thu nhập không cao, việc phải chi trả một khoản tiền lớn cho các khóa học nâng chuẩn trình độ rất khó. Vấn đề đi lại cũng ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy và các công việc khác trong gia đình.
Tương tự, cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cho hay, đề xuất này phù hợp thực tế. Bởi hiện nay, lương của giáo viên còn thấp so với mặt bằng chung.
“Khi tham gia học nâng trình độ chuẩn, giáo viên được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí cũng góp phần giúp giảm bớt áp lực tài chính. Việc không được hỗ trợ về tài chính sẽ khiến nhiều giáo viên có xu hướng tìm kiếm những công việc khác có thu nhập ổn định hơn, gây ra tình trạng thiếu giáo viên ở một số địa phương như thời gian qua”, cô Vân dẫn chứng.
Theo cô Nguyễn Thị Nguyệt - giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Chí Minh (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), cử giáo viên đi học để nâng trình độ chuẩn là điều cần thiết. Vì đa phần yêu cầu trước kia chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp sau mới nâng lên chuẩn đại học nên các thầy cô cần được hỗ trợ học phí.
Cô Nguyệt cho rằng, để giải quyết vấn đề này, phải có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Trong đó, ngân sách dành cho giáo dục cần tăng lên để đảm bảo đủ kinh phí hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ. Mặt khác, có cơ chế hỗ trợ học phí minh bạch, công bằng và dễ tiếp cận cho tất cả giáo viên.
Bên cạnh đào tạo tập trung, cần phát triển các hình thức đào tạo trực tuyến, tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của giáo viên ở các địa phương khác nhau. Kêu gọi doanh nghiệp đồng hành cùng ngành Giáo dục, hỗ trợ tài chính cho chương trình đào tạo giáo viên.
Cần sự chung tay
Hơn 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục tỉnh Hà Nam, NGƯT Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân) cho hay, nhiều năm qua, giáo viên trên địa bàn tỉnh tham gia khóa học nâng trình độ chuẩn đều không phải đóng học phí mà do cấp trên chi trả. Đây là thuận lợi lớn để các thầy cô yên tâm công tác và tập trung làm tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Nếu phải tự túc kinh phí để nâng cao trình độ không chỉ là gánh nặng tài chính cho thầy cô mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về sự công bằng. Bởi lẽ, giáo viên là những người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Việc họ phải tự bỏ tiền túi để nâng cao năng lực chuyên môn là điều có hợp lý?
“Hỗ trợ học phí cho giáo viên nâng cao trình độ không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang tính xã hội. Đây là đầu tư lâu dài và mang lại hiệu quả cao cho sự phát triển đất nước. Việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên, trong đó có sự vào cuộc tích cực của Nhà nước, cơ quan quản lý giáo dục, doanh nghiệp và toàn xã hội”, NGƯT Nguyễn Thị Tươi trao đổi thêm.
Dưới góc độ chuyên gia, diễn giả Đào Ngọc Cường đến từ Công ty Đào tạo đánh thức tiềm năng Việt (Hà Nội) nhấn mạnh, giáo viên được đào tạo liên tục để đạt chuẩn là bước đi cần thiết. Bởi hiện nay có nhiều mảng giáo viên chưa đạt chuẩn.
Nếu giáo viên đi học theo yêu cầu của đơn vị để đảm bảo chuẩn thì nên được hỗ trợ kinh phí học tập với điều kiện thầy cô phải có cam kết học tập đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Tránh tình trạng giáo viên đi học cho có, còn chất lượng bỏ lửng. Tương tự, với giáo viên giảng dạy ở các trường ngoài công lập có thể tùy vào chính sách của đơn vị để có những hỗ trợ phù hợp.
Với mục đích đảm bảo chất lượng, cập nhật kiến thức mới và những kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc thì việc hỗ trợ kinh phí nên có để phần nào giải quyết khó khăn của giáo viên. Đồng thời sẽ khuyến khích thầy cô tích cực học tập, mở mang và trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới.
“Kiến thức đổi mới mỗi ngày, những kỹ năng phục vụ công việc ngày càng đòi hỏi nâng cao. Khi được hỗ trợ kinh phí đào tạo sẽ có nhiều giáo viên tích cực học hơn mới có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, thầy cô cũng mạnh dạn chọn các cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng để học thay bằng việc chọn nơi tiết kiệm chi phí mà có thể chất lượng chưa đảm bảo”, diễn giả Đào Ngọc Cường cho hay.
Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP, đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo gồm: Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.