Đề xuất học sinh là F1 có thể đi học trực tiếp: Ý kiến từ nhà trường, chuyên gia

Tào Nga Thứ sáu, ngày 11/03/2022 07:53 AM (GMT+7)
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trước đề xuất cho học sinh là F1 có thể đi học trực tiếp. Vậy ý kiến của các trường, chuyên gia thế nào?
Bình luận 0

Có nơi chưa đến 10% học sinh đi học trực tiếp

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trung bình cứ 1 học sinh trong lớp là F0 sẽ có từ 4 - 6 học sinh là F1. Với những học sinh được xác định là F1 này sẽ cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày nếu đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng Covid-19 hoặc ngày thứ 7 với học sinh chưa tiêm.

Cách xác định học sinh là F1 và thời gian cách ly như trên dựa theo cơ sở khoa học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh và phòng tránh lây lan dịch trong cộng đồng, tuy nhiên cũng dẫn đến tình trạng có trường chưa đến 10% học sinh đi học trực tiếp. Giáo viên đến trường dạy trực tiếp song học sinh lại ở nhà học online.

Nhà trường nói gì trước đề xuất học sinh là F1 có thể đi học trực tiếp, không phải cách ly? - Ảnh 1.

Nhiều học sinh là F0, F1 khiến xảy ra tình trạng giáo viên đến trường dạy trực tiếp nhưng học sinh ở nhà học online. Ảnh: NTCC

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Phạm Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, tuần này trường chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến do có đến 90% học sinh phải nghỉ học ở nhà, trong đó có 71% học sinh là F0, F1. Hiện tại số học sinh là F1 khá nhiều, phải nghỉ học online nên ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ cho biết: "Trường vẫn đang kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Hiện tại trường có hơn 40/gần 100 giáo viên là F0, học sinh là F0 khoảng hơn 500/2.500 và nhiều học sinh là F1. Khối 7, 8 nghỉ học online, chỉ có khối 9 đi học trực tiếp.

Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm thông tin: "Hiện nay trường thuộc vùng 3 nên đang học online. Tỷ lệ học sinh F0 thời điểm hiện tại khoảng 20% và nhiều học sinh là F1. Vì vậy giáo viên luôn sẵn sàng 1 lớp học 3 điểm cầu. Điểm cầu chính tại lớp học, điểm cầu thứ 2 là giáo viên có thể dạy online, điểm cầu thứ 3 là học sinh online. Lớp học nào cũng trang bị wifi tận lớp, máy tính, máy chiếu, loa kết nối... để dạy và học trực tuyến".

Thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: "Trường chúng tôi đã cho lớp 12 đi học từ tháng 1, lớp 7-11 đi học từ 8/2. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn có hơn 600 học sinh bị F0. Giáo viên, nhân viên từ số 0 lên đến 89 người bị F0. Từ 60% học sinh đi học trực tiếp xuống còn 30%. Thậm chí có lớp chỉ có 3, 4 học sinh đi học. Vì vậy, hội đồng nhà trường xin ý kiến của quận và quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ từ đầu tháng 3. Sau đó 2 tuần sẽ tùy vào tình hình dịch bệnh sẽ có thông báo tiếp theo".

Tương tự, cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, Hà Nội thông tin, các ca F0 và F1 vẫn tăng thêm hàng ngày, đội ngũ cán bộ nhà trường cũng nhiễm bệnh 50%. Nhiều lớp có 27 học sinh thuộc diện F1 và F0. Lớp có số học sinh nhiễm bệnh ít thì thầy cô lại bị nhiều nên học sinh đến, có tiết phải học online tại lớp, các trường phải bỏ thêm kinh phí phủ sóng wifi toàn bộ trường thay vì để thầy cô và phụ huynh dùng 4G. Nếu đi học, trong 1 lớp sẽ phải dạy cả online lẫn offline. Thầy cô đã gồng mình nay tiếp tục căng thẳng".

Nhà trường nói gì trước đề xuất học sinh là F1 đi học trực tiếp?

Một giáo viên ở Hà Nội cho biết, theo cách xác định F1 hiện nay, đã có những trường hợp học sinh là F1 đến 4, 5 lần. Hết thời gian cách ly, đi học được 1 hôm, các em lại nghỉ học tiếp từ 5 đến 7 ngày do bạn cùng lớp là F0. Học sinh nghỉ học vì là F1 liên tục nên khả năng tiếp thu kiến thức cũng gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, một số giáo viên, chuyên gia y tế cho rằng học sinh là F1 nên đi học bình thường, không cần nghỉ ở nhà theo dõi như F0. Lý do là vì bây giờ đa phần học sinh và giáo viên đều đã được tiêm chủng vaccine Covid-19, chỉ trừ trường hợp các em nhỏ tuổi, nên học sinh là F1 có thể đi học khi đảm bảo được quy tắc 5K và điều kiện học tập tốt để không có sự lây lan.

Đề xuất học sinh là F1 có thể đi học trực tiếp đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, học sinh. Còn với giáo viên và nhà trường thì thận trọng hơn trước đề xuất này.

Nhà trường nói gì trước đề xuất học sinh là F1 có thể đi học trực tiếp, không phải cách ly? - Ảnh 2.

Lớp học trực tiếp tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV, thầy Cai Việt Long, giáo viên Toán, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: "Theo tôi F1 nên ở nhà cách lý 3 ngày nếu không có triệu chứng và test nhanh âm tính thì cho đi học bình thường".

Cô Phạm Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: "Về mặt chuyên môn học sinh là F1 đi học trực tiếp hay phải cách ly thì tôi không dám ý kiến. Nhưng thực tế có học sinh liên tiếp là F1 nên không được đến trường. Giáo viên rất vất vả khi kết hợp 2 hình thức dạy học và rất lo cho chất lượng học của học sinh. Nhà trường liên tục họp bàn để nâng cao chất lượng dạy học".

Theo cô Mai, có thể điều chỉnh lại thời gian cách ly cho F1 và cách xác định F1 hợp lý hơn để tạo điều kiện cho học sinh được đi học trực tiếp nhiều hơn.

Mặc dù vậy, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Trì, Hà Nội bày tỏ: "Với tình hình dịch bệnh như thế này việc cho F1 đi học rất khó để được cha mẹ học sinh đồng tình vì số ca bệnh ngày một tăng nhanh trong khi học sinh chưa tiêm và kể cả học sinh đã tiêm 2 mũi. Hơn thế nữa số cán bộ giáo viên, nhân viên trong các trường học bị F0 nhiều nên khả năng bố trí giáo viên dạy trực tiếp cũng sẽ khó khăn dù cơ sở vật chất và điều kiện phòng chống dịch của các trường rất ổn".

Chia sẻ về vấn đề này, anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con vượt qua các kỳ thi" nêu ý kiến: "Trong tình hình dịch bệnh đang gia tăng như hiện nay, việc cho các con F1 đi học cần cân nhắc theo thứ tự ưu tiên. Với những con lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sẽ đi học trước. Sau đó mới áp dụng cho các cấp học khác. Tuy nhiên đề phòng ngừa F1 thành F0, các trường vẫn phải bố trí phù hợp. Vì vậy theo tôi có thể điều chỉnh lại thời gian cách ly cho F1 và cách xách định F1 hợp lý hơn".

PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Với những học sinh thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng không triệu chứng có thể được đến trường nhưng phải đảm bảo quy trình bảo vệ bản thân, cộng đồng với cách thức nghiêm ngặt hơn. Cơ sở vật chất, bộ phận xử lý và quy trình xử lý nhanh, kịp thời... nếu học sinh có dấu hiệu.

Trong bối cảnh này, không ai dám cam kết việc đưa ra chính sách đó sẽ đảm bảo loại trừ mọi nguy cơ. Tuy nhiên nếu nguy cơ giảm thiểu nhất định sẽ được mọi người ủng hộ. Hiện nay, các gia đình cũng đã có tâm lý thoải mái hơn, không còn kỳ thị với nguy cơ bị nhiễm bệnh. Chúng ta cần tuyên truyền cho các gia đình, xã hội mục tiêu kiên định không thay đổi là đang tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh quay lại trường và sẽ không bị rơi vào tình huống nguy hiểm. Cho học sinh đến trường là cơ hội để rèn luyện bản thân kiên cường hơn và giúp cá nhân giải quyết những tình huống bất định, giải quyết vấn đề tốt hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem