Đề xuất miễn giảm học phí, cấp học bổng cho người học ngành công nghiệp bán dẫn
Đề xuất miễn giảm học phí, cấp học bổng cho người học ngành công nghiệp bán dẫn
Chủ nhật, ngày 08/12/2024 16:40 PM (GMT+7)
Trong năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Kế hoạch 1758 triển khai hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định số 1018 phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017 phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn
nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, trong quý IV/2024, Bộ GD&ĐT lập Tổ công tác triển khai nhiệm vụ đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục đại học (ĐH)
xây dựng
đề án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.
Trong quý 1/2025, Bộ sẽ lựa chọn các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH và ban hành kế hoạch đào tạo chi tiết đến năm 2030 theo mục tiêu của chương trình. Cùng với đó là xây dựng, ban hành, hướng dẫn chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc xây dựng đề xuất dự án đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với tối đa 9 đề xuất dự án đầu tư.
Trong năm 2025, Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước. Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Từ 2025 - 2030, Bộ sẽ tổ chức triển khai chương trình tài năng phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ cũng ưu tiên bố trí nguồn lực và cân đối ngân sách nhà nước hằng năm để hỗ trợ, tài trợ các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn gắn với đào tạo sau đại học tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc.
Các ứng viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại nước ngoài sẽ được ưu tiên cấp học bổng tại chương trình học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước do
Bộ GD&ĐT
quản lí (học bổng Hiệp định Chính phủ và các đề án).
Việc thúc đẩy hợp tác giáo dục ở cấp Bộ và cấp Chính phủ giữa Việt Nam với một số tập đoàn lớn và quốc gia hàng đầu về công nghiệp bán dẫn cũng sẽ được thực hiện để tạo cơ sở pháp lý và tạo điều kiện cho các trường ĐH Việt Nam hợp tác với nước ngoài trong đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn.
Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ĐH trong nước với các cơ sở giáo dục ĐH, các doanh nghiệp/tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn; thu hút, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bán dẫn. Nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch này thực hiện theo các quy định, hướng dẫn có liên quan đối với Chiến lược 1018 và Chương trình 1017.
Trước đó, theo Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến có 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.