Đề xuất miễn tử hình với người từ 70 tuổi trở lên: Lựa chọn sự nhân đạo hay bình đẳng?

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 09/04/2015 07:51 AM (GMT+7)
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có quy định đang gây nhiều tranh cãi là không thi hành hình phạt tử hình với người phạm tội trên 70 tuổi, chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân. Các nhà làm luật sẽ chọn sự nhân đạo hay bình đẳng?
Bình luận 0

Nhiều án nghiêm trọng...

Thời gian qua, trong số các vụ án hình sự có không ít vụ đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là người cao tuổi (từ 70-80 tuổi).

img

Vào cuối tháng 7.2014, Tòa phúc thẩm – TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt 20 năm tù đối với bị cáo Huỳnh Văn Siêng (SN 1943, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) với tội “hiếp dâm trẻ em” và “giao cấu với trẻ em”.

Theo hồ sơ vụ án, vào cuối năm 2013, bị cáo Siêng đã dụ dỗ quan hệ tình dục với 2 cháu là P.T.H.P và N.T.T.N (đều SN 2000, ngụ xã Hưng Phong). Chính bị cáo nhận đã quan hệ tình dục với 2 cháu này đến 17 lần. Hậu quả đau lòng là vào tháng 9.2013, cháu N đã có thai. Ở một vụ án khác, vào tháng 7.2014, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Đức Mỹ (82 tuổi, ngụ TP.Tây Ninh) 14 năm tù giam về tội “hiếp dâm trẻ em”. Nạn nhân của ông lão này là một cháu gái mới hơn 7 tuổi 5 tháng.

Không chỉ phạm tội hiếp dâm, có những trường hợp người cao tuổi còn phạm tội giết người. Vào tháng 9.2014, bị cáo Nguyễn Văn Tài (85 tuổi, trú Nam Định) bị TAND tỉnh Nam Định tuyên phạt 18 năm 6 tháng tù về tội giết người. Nạn nhân là bà Hoàng Thị Điểm - vợ hai của bị cáo, bị sát hại bằng 43 nhát dao.

Tháng 8.2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM triệt phá đường dây mua bán ma túy "khủng" do đối tượng Nguyễn Thị Miết (80 tuổi, trú quận 10) cầm đầu. Đối tượng Miết bị các trinh sát phục kích bắt quả tang khi đang nhận 10 bánh ma túy từ đối tượng Ngô Văn Thanh (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) tại nhà riêng. Khám xét nhà riêng của bà Miết, cơ quan công an phát hiện và thu giữ thêm 2 bánh ma túy và 92.000 USD.

Phù hợp với quốc tế (?)

Ông Trịnh Nhật Diệu - nguyên kiểm sát viên Viện KSND TP.Hà Nội cho biết, qua công tác hoạt động tố tụng hình sự nhiều năm ông thấy nhiều trường hợp người già trên 70 tuổi vẫn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như hiếp dâm trẻ em, giết người, buôn bán, tàng trữ trái phép ma túy...

"Đây đều là những tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tôi cho rằng khi xây dựng luật phải trên tinh thần mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Người 70 tuổi vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội sao lại được miễn trừ án tử hình là không ổn"- ông Diệu nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) lại băn khoăn nếu đề xuất như dự luật thì người từ 70 tuổi trở lên phạm bất cứ tội nào cũng được miễn hình phạt tử hình.

"Cần phải khu biệt lại chỉ một số tội không phạt tử hình người từ 70 tuổi trở lên, còn một số tội như xâm hại an ninh quốc gia, khủng bố, chống loài người, tội phạm chiến tranh... thì không được miễn áp dụng hình phạt tử hình" - luật sư Tiến góp ý.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Ngô Ngọc Thủy - nguyên Trưởng khoa Luật hình sự - Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: "Thực tế những người ở độ tuổi từ 70 trở lên phạm tội đến mức phải tuyên phạt án tử hình thời gian qua là không nhiều. Việc đề xuất như vậy vừa phù hợp với thực tế, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế".

Khoản 3 Điều 39 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nêu: Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; b) Người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên... Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này và trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem