Đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe: Lo phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp

Thế Anh Thứ năm, ngày 27/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT), trong đó có đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như đang được Bộ GTVT quy định. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, dư luận.
Bình luận 0

Vì sao rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe?

Tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, về thời hạn GPLX có quy định: Hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; Hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe: Lo phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Một lớp đào tạo, sát hạch cấp GPLX ở Hà Nội. Ảnh: T.A

Đây là những nội dung mới được bổ sung vào dự thảo, ở những dự thảo lần 1, lần 2 ra để lấy ý kiến cộng đồng, người dân, doanh nghiệp... thì không có nội dung này. Trong khi đó, theo Điều 17, Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về thời hạn GPLX (đang có hiệu lực thi hành) thì GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; đối với GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.

Đáng chú ý, dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT lại không đồng nhất với dự thảo luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay.

Điểm khác nhau là Bộ Công an đề xuất trong Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT, thời hạn của GPLX hạng B bị giảm xuống còn một nửa (từ 10 năm xuống còn 5 năm). Trong khi đó, hiện nay, GPLX hạng B (gồm B1 và B2 như quy định trong Thông tư 12/2017/TT-BGTVT) đang có số lượng người được cấp rất lớn - có thể lên tới hàng triệu người. Chính từ đề xuất này của Bộ Công an đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và các chuyên gia vì sẽ làm ảnh hưởng tới rất nhiều người.

Đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe: Lo phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh 2.

GPLX hạng B2 hiện có giá trị sử dụng trong 10 năm. Ảnh: T.L

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, từ năm 2015 Việt Nam đã tham gia Công ước Viên với điều kiện tham gia là trong 5 năm Việt Nam phải điều chỉnh hạng GPLX phù hợp với hạng quy định tại công ước.

Hiện, cách phân hạng GPLX trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT do của Bộ Công an soạn thảo về các hạng và phân hạng GPLX, loại xe sử dụng không đúng theo điều khoản Công ước mà Việt Nam đã cam kết. Nếu không điều chỉnh đúng phân hạng sẽ khiến cho GPLX của Việt Nam sẽ không được các nước tham gia Công ước Viên công nhận. Người Việt sử dụng GPLX tại các nước thành viên của Công ước Viên cũng sẽ không được công nhận.

Lo ngại lãng phí, không phù hợp thực tiễn

Về phía tài xế đang có GPLX hạng B1, trao đổi với phóng viên, anh Vũ Đan Phương (lái xe taxi đang làm việc tại Hà Nội) cho rằng: "Tôi chưa hiểu rõ mục đích đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép của Bộ Công an là gì? Hiện, tôi thấy các quy định hiện hành về GPLX vẫn còn rất phù hợp với thực tiễn, khi lái xe bị mất GPLX muốn cấp lại, vẫn phải làm lại hồ sơ xin cấp lại, trong đó phải kiểm tra sức khoẻ. Như vậy, việc rút ngắn thời hạn GPLX xuống còn 5 năm, liệu có gây phiền, nhiều thủ tục và lãng phí hay không?".

Đánh giá về đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: "Đối với người còn trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn GPLX của xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém, không cần thiết cho người dân. Thời hạn GPLX hạng B giữ nguyên như hiện nay là hợp lý".

Theo ông Quyền, nếu vì lý do sức khỏe mà yêu cầu người có GPLX 5 năm phải đổi thì không thuyết phục. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, sử dụng người lao động, các đơn vị đều yêu cầu các lái xe hàng năm phải khám sức khỏe và kiểm tra việc có sử dụng ma túy. Còn đối với người dân, khi lái xe nếu sử dụng ma túy thì đã có lực lượng CSGT kiểm tra trên đường. Như vậy, quy trình giám sát người lái xe rõ ràng đã rất chặt chẽ.

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, chúng ta đang tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ Công an lại đề xuất giảm thời hạn của GPLX là một nghịch lý không phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Điều này còn tạo ra nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn đối với người dân.

"Cần phải có các biện pháp để quản lý lái xe chứ không nhất thiết phải rút ngắn thời gian cấp, đổi lại GPLX vì sẽ gây ra tốn kém tiền bạc, công sức của người dân" - ông Liên nhìn nhận vấn đề. 

img

Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên quy định

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT cũng đã đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện hành. Tuy nhiên, sau cuộc họp Thường trực Chính phủ thì quy định cấp GPLX lại được đưa vào dự thảo Luật đảm bảo trật tự ATGT do Bộ Công an xây dựng.

"Đây là đề xuất được Bộ Công an đưa ra trong dự thảo để lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân, sau đó sẽ nghiên cứu xem xét để trình Chính phủ. Việc có rút ngắn thời hạn GPLX hay không sẽ do Chính phủ và Quốc hội quyết định" - ông Thống cho hay.

Theo ông Thống, đối với quy định hiện hành thì GPLX có thời hạn tới 10 năm, đối với những người xin cấp lại, hoặc đổi GPLX sẽ được kiểm tra sức khoẻ và thủ tục vẫn phải đảm bảo đầy đủ các quy trình. Việc kiểm tra sức khoẻ của lái xe tại doanh nghiệp, họ cũng thường xuyên kiểm tra, ngoài ra còn có lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra hành chính, nồng độ cồn, chất kích thích, ma tuý...

img

Việc cấp và sử dụng GPLX đang ổn định

Theo GS -TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Trường ĐH GTVT, đối với đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX, cần xem xét lại một cách thận trọng, vì gây ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều người và doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Về mặt khoa học, phải tham khảo thời hạn GPLX đang áp dụng tại các nước trên thế giới để đối chiếu, so sánh với tình hình trong nước rồi xem xét đưa ra lựa chọn phù hợp.

GS - TS Từ Sỹ Sùa đặt câu hỏi: Phải làm rõ việc rút ngắn thời hạn GPLX như đề xuất là nhằm mục đích gì và có thật sự cần thiết hay không? Nếu không cần thiết thì có thể thực hiện chương trình bổ túc kiến thức bằng các khóa bồi dưỡng, chứ không nhất thiết cứ phải rút ngắn thời hạn GPLX xuống còn 5 năm mới là hiệu quả.

"Hiện nay, việc cấp và sử dụng GPLX đang ổn định thì theo tôi không nên thay đổi"- GS - TS Từ Sỹ Sùa bày tỏ quan điểm.

T.A (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem