Đề xuất "sốc": Dừng chi tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi

Trần Khánh (thực hiện) Thứ sáu, ngày 13/12/2019 16:06 PM (GMT+7)
"Sau dịch tả heo châu Phi (DTHCP), ngành chăn nuôi sẽ đối diện khó khăn mới khi lộ trình hội nhập và thực thi các hiệp định thương mại đang cận kề. Hiện nay, Nhà nước đang bỏ ra khá nhiều kinh phí hỗ trợ nông dân theo chính sách giúp đỡ cho dân nghèo vượt qua cơn khốn khó. Tuy nhiên, các hỗ trợ sắp tới cần dừng lại hoặc có sự điều chỉnh thích hợp".
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng người chăn nuôi vẫn có cơ hội cạnh tranh với sản phẩm miễn thuế của các nước ngay trên sân nhà. Chìa khóa là các chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi hạ giá thành chăn nuôi.

img

Người nuôi heo cả nước đang phải gồng mình với những khó khăn vì dịch bệnh, trong khi việc chi tiền hỗ trợ cho người nông dân ở nhiều nơi vẫn quá chậm. Ảnh: T.L

Còn nhiều khó khăn

Ông đánh giá như thế nào về thị trường thịt Tết sắp tới?

Thịt heo Đồng Nai cung cấp phần nhiều cho thị trường TP.HCM. Nhìn vào lượng heo về 2 chợ đầu mối của thành phố này sẽ dễ dàng hình dung bức tranh chung. Nếu như trước đây, lượng heo về chợ Bình Điền khoảng 2.500 con/đêm thì nay còn khoảng 1.400 - 1.500 con. Ở chợ Hóc Môn cũng giảm còn 4.500 con so với lúc trước khoảng 6.500 - 7.000 con/đêm.

Như thế, lượng heo đã sụt giảm rõ nhưng lượng thịt gà, vịt lại tăng lên. Ngay tại Đồng Nai, đàn gà đã tăng từ 22 lên 28 triệu con là lượng bù đắp khá lớn. Đàn vịt nuôi trên cạn đang được nuôi nhiều, và đạt trọng lượng cũng khá tốt.

Thị trường thịt dịp tết chắc chắn sẽ có biến động nhưng không lớn, chủ yếu là sự thay đổi nhu cầu giữa thịt heo với thịt gà, và một số loại thịt khác. Chuyện thiếu thực phẩm có xảy ra nhưng không nghiêm trọng nếu tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen dùng nguồn thực phẩm thay thế thịt heo trong dịp tết.

Tình hình của người chăn nuôi heo ở Đồng Nai hiện ra sao, thưa ông?

Cũng như khắp cả nước, người nuôi heo trong tỉnh đang trải qua và vẫn tiếp tục gồng mình với những khó khăn vì dịch bệnh. Hiện nay, việc chi tiền hỗ trợ cho người nông dân ở nhiều nơi vẫn quá chậm. Có nơi đã gần 1 năm, nông dân vẫn chưa nhận được tiền.

Mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ, song câu hỏi làm thế nào để xây dựng nền chăn nuôi bền vững, đem lại lợi nhuận cao luôn là vấn đề mà những người nông dân cả nước trăn trở.

Còn với người tiêu dùng?

Một năm trước, không ai có thể nghĩ được mức giá đang tăng cao vượt mức 70.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay. Tuy nhiên, tôi đánh giá người tiêu dùng đã có những chia sẻ nhất định cho ngành chăn nuôi thời gian qua.

Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối giữa nhà nước, các cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi; làm sao cung ứng được nguồn thực phẩm sạch và an toàn. Khi đó, người tiêu dùng sẽ không quay lưng với ngành chăn nuôi.

Hiện nay Hiệp hội cũng đang kêu gọi doanh nghiệp và các trang trại chăn nuôi heo tích cực cung ứng ổn định cho thị trường và hạn chế việc tăng giá bán, nhằm giúp ổn định chỉ số giá tiêu dùng, duy trì việc hài hòa cho cả người dùng lẫn người chăn nuôi, không để bất ổn giá đi quá xa.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp và các trang trại cũng cần hỗ trợ nguồn giống tốt nhất cho những nơi đủ điều kiện tái đàn. Hiệp hội sẽ cùng các nhà khoa học, người chăn nuôi tổ chức thảo luận để cùng tìm ra giải pháp khả thi nhất cho việc tái đàn hiện nay khi vaccine DTHCP chưa có.

img

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng "chìa khóa" là các chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi hạ giá thành sản xuất, từ đó cạnh tranh tốt với các sản phẩm nhập khẩu. Ảnh: T.L

Phải hạ giá thành

Tại hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến nỗ lực tự đổi mới của nông dân. Ông nghĩ sao về điều này?

Ngành chăn nuôi hiện có 30% là công ty liên doanh nước ngoài, 70% còn lại là người chăn nuôi trong nước. Con số 70% này đang giải quyết được rất nhiều lao động nhàn rỗi. Ở Đồng Nai, khu vực này tạo ra được 60% sản phẩm cho xã hội.

Cách đây 5 năm, giá thành của gà là 35.000 đồng/kg mới huề vốn. Hiện, nhiều người chăn nuôi đã kéo mức này xuống còn 20.000 đồng/kg. Đồng Nai cũng đã tiên phong xuất khẩu gà đi Nhật. Với heo, giá thành cách đây 2 năm là 40.000 đồng/kg, nay nhiều nơi đã kéo xuống còn khoảng 30.000 đồng/kg.

Lộ trình hội nhập sắp tới, giá gà các nước có thể chỉ còn 14.000 đồng/kg nhưng chưa tính phí vận chuyển. Giá thành trong nước nếu kéo xuống 18.000 đồng/kg là có thể cạnh tranh được. Tương tự, giá heo cần giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg khi giá của các nước chỉ 22.000 - 26.000 đồng/kg.

Với sự hỗ trợ hiệu quả hơn từ các chính sách cũng như nỗ lực tự thay đổi, tôi tin rằng người chăn nuôi ở Đồng Nai có cạnh tranh được trong hội nhập.

Vậy ông muốn kiến nghị gì với Chính phủ và các bộ ngành?

Chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên ngành đưa ra dự báo về giá cả thật chính xác ở các vùng miền, cũng như lộ trình cần sản xuất bao nhiêu để thị trường không bị mất cân đối cung cầu, dẫn đến các biến động khó lường về giá.

Thứ nữa, trong chuỗi liên kết hiện nay, mô hình HTX là hiệu quả và rất cần thiết. Tuy nhiên, các HTX cũng đang không ít khó khăn trong cách thức hoạt động cũng như việc thu hút xã viên. Chính phủ cần cần đề cao hơn nữa vai trò và các biện pháp hỗ trợ cho các HTX.

Vậy còn với bản thân nông hộ?

Hiện nay, Nhà nước đang bỏ ra khá nhiều kinh phí hỗ trợ nông dân theo chính sách giúp đỡ cho dân nghèo vượt qua cơn khốn khó. Tuy nhiên, các hỗ trợ sắp tới cần dừng lại hoặc có sự điều chỉnh thích hợp. Về lâu dài, việc hỗ trợ sẽ không làm cho nông dân “tự lớn” được. Không có quốc gia nào cứ bỏ tiền ra hỗ trợ mãi như thế được.

Nên chăng, nguồn kinh phí này sẽ được chuyển vào ngân hàng. Từ đó tạo ra chính sách giúp người nông dân đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức chăn nuôi, đáp ứng theo nhu cầu hiện đại để hạ giá thành xuống. Khi giá thành hạ, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem