Đề xuất xây tầng lánh nạn ở chung cư

Minh Khôi Thứ bảy, ngày 21/09/2019 08:30 AM (GMT+7)
Tại Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chung cư, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều quy định về tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xảy ra sự cố cháy nổ.
Bình luận 0

Thực tế hiện nay, nhiều chung cư, nhà cao tầng tại thành phố được cấp phép xây dựng trong đường nhỏ hoặc trong hẻm cho nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường vào cho xe chữa cháy khi xảy ra sự cố. Có chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng nền đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, cho nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được…

Đáng chú ý, hầu hết các tòa chung cư đều không bố trí tầng lánh nạn hay phòng lánh nạn. Nhiều dự án không đáp ứng được những tiêu chuẩn trên. Các gian lánh nạn thường trở thành không gian “đa chức năng” như phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng kỹ thuật hay thậm chí nhiều dự án còn không có gian lánh nạn riêng biệt cho cư dân.

img

Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại Chung cư Carina Plaza khiến 13 người chết, hơn 50 người bị thương; 13 ôtô và 150 xe máy bị thiêu rụi. 

Để khắc phục thực trạng an toàn PCCC tại chung cư, mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chung cư. Trong dự thảo này dự thảo này, Bộ Xây dựng quy định tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Trong tầng lánh nạn bố trí gian lánh nạn. Các gian lánh nạn phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150. Gian lánh nạn phải có diện tích đảm bảo đủ chứa được ít nhất một nửa tổng số người của tất cả các tầng trên và tầng dưới của gian lánh nạn với định mức 0,3m2/người.

Gian lánh nạn phải có cửa thông với buồng thang không nhiễm khói và phải có cửa ra thang máy chữa cháy; Gian lánh nạn phải có trang thiết bị chống cháy riêng gồm: thiết bị chống tụ khói, họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống truyền thanh chỉ dẫn thoát nạn… Ngoài ra, có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn.

Đặt trong bối cảnh tại các thành phố lớn với mật độ dân cư dày đặc, việc lơ là không tuân thủ quy định về gian lánh nạn khiến cư dân không được đảm bảo an toàn mỗi khi có sự cố xảy ra. Và nhiều vụ cháy chung cư đã diễn ra thời gian gần đây do các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như gian lánh nạn đều không được tuân thủ một cách đầy đủ, dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Về vấn đề an toàn PCCC tại các chung cư cư, Hiệp hội bất động sản TP.HCM từng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

Năm 2018, đã xảy ra vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại tầng hầm chung cư Carina Plaza (quận 8); vụ cháy đã làm chết 13 người và 51 người bị thương. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với tất cả mọi chủ thể có liên quan đến trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng, từ chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành chung cư, các hộ dân… đến lực lượng PCCC chuyên nghiệp.

Theo Hiệp hội này, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi nhận thức và hành động, cùng với đó là yêu cầu phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật PCCC, quy chuẩn thiết kế nhà cao tầng, với mục tiêu xây dựng chung cư, nhà cao tầng hiện đại phải bảo đảm an toàn, trước hết là an toàn PCCC.

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 1.927 vụ (trong đó, 1.843 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông, 84 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra: làm chết 59 người, bị thương 64 người, thiệt hại về tài sản khoảng 654,94 tỷ đồng và 408 ha rừng.

Trong đó có 27 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 08 người, bị thương 03 người, thiệt hại về tài sản khoảng 275,7 tỷ đồng. Xảy ra 15 vụ, làm chết 5 người, bị thương 15 người. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 2.218 vụ CNCH; trong đó 1.689 vụ trong đám cháy; 263 vụ dưới nước; 80 vụ phương tiện giao thông; 35 vụ sập đổ công trình; 20 vụ hang hầm, giếng sâu; 35 vụ trên cao; 96 vụ sự cố, tai nạn khác. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng nghìn người; trực tiếp cứu được 254 người; tìm được 185 thi thể người bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem